Thuốc chống động kinh cho trẻ: Những lưu ý khi sử dụng

Thời sự - 11/24/2024

Giống như người lớn, trẻ em cũng bị động kinh với đủ các loại là cơn lớn (cơn toàn thể), cơn bé (cơn thoáng) và động kinh cục bộ. Động kinh sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ, ngôn ngữ và hành vi của trẻ. Khi trẻ bị động kinh, cha mẹ cần chú ý cách sử dụng thuốc chống động kinh giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả và an toàn.

Đặc điểm của thuốc chống động kinh dành cho trẻ em

Thuốc chống động kinh hiện nay rất đa dạng và phong phú, nhưng các thuốc này đều có chung vài đặc điểm sau:

Dễ bị phá hủy ở dạ dày: Do axit clohydrid ở dạ dày làm hỏng thuốc nên thuốc được bọc bằng một lớp vỏ đặc biệt, chống lại được axit ở dạ dày, để thuốc xuống ruột (môi trường kiềm) an toàn. Vì vậy khi uống thuốc chống động kinh, trẻ phải nuốt nguyên cả viên thì thuốc mới có tác dụng điều trị. Nhiều bố, mẹ đã nghiền thuốc ra, bẻ nhỏ thuốc để cho trẻ dễ nuốt, hành động này đã làm mất hoạt tính của thuốc khiến việc điều trị không có kết quả.

Chỉ có vài loại thuốc chống động kinh có dạng siro, đây là dung dịch đệm, chống lại axit ở dạ dày, khiến thuốc không bị bất hoạt ở dạ dày.

Liều thuốc phải tính theo cân nặng của trẻ và thường phải uống 2-3 lần mỗi ngày do thời gian bán hủy của thuốc ngắn.

Các cháu sẽ phải uống thuốc chống động kinh trong rất nhiều năm, đa số sẽ phải uống thuốc suốt đời.

Thuốc chống động kinh cho trẻ: Những lưu ý khi sử dụng

Khám, tư vấn điều trị bệnh cho trẻ.

Một số loại thuốc chống động kinh cho trẻ em

Các thuốc chống động kinh cho trẻ em có sẵn trên thị trường:

Valproat natri(depakine, encorat, valparin...): Đây là thuốc chống động kinh có tác dụng trên tất cả các thể động kinh. Thuốc phải uống 2 lần mỗi ngày. Thuốc có dạng viên 200mg, 500mg (viên này rất to, không hợp với trẻ em vì khó uống) và siro. Không dùng thuốc cho trẻ bị viêm gan cấp.

Oxcarbazepine(oxetol, trileptal): Thuốc có cả dạng viên 300mg và dạng siro. Thuốc này tác dụng rất tốt cho động kinh cơn lớn và cơn cục bộ, hiệu quả rất kém với động kinh cơn bé. Lưu ý có một số bệnh nhân sẽ bị dị ứng với thuốc, vì vậy trong tháng đầu tiên trẻ bị động kinh chỉ nên dùng một nửa liều điều trị và phải được theo dõi tình trạng dị ứng thuốc (nếu có). Nếu có các ban dị ứng trên da, cần ngừng thuốc và báo ngay cho bác sĩ biết.

Topiramate (topamax): Thuốc có tác dụng tốt trên động kinh cơn lớn và cơn cục bộ. Thuốc rất ít gây dị ứng thuốc cho người bệnh và không tương tác với các thuốc khác.

Levetiracetam (keppra): Đây là thuốc chống động kinh cơn lớn, cơn cục bộ. Thuốc dạng viên 500mg không thích hợp với trẻ em dưới 6 tuổi (do viên thuốc to, khó uống). Tuy nhiên, thuốc này cũng có dạng siro dành cho trẻ em. Tiếc là hiện nay dạng siro keppra hầu như không còn trên thị trường. Thuốc phải nuốt cả viên, chia đều làm 2 liều mỗi ngày.

Cách dạy trẻ uống thuốc chống động kinh nuốt nguyên cả viên

Chọn loại hàm lượng có kích cỡ nhỏ nhất có thể để dễ nuốt. Tuy nhiên, thuốc có hàm lượng bé thường có giá thành cao hơn thuốc có hàm lượng cao.

Tập cho trẻ uống thuốc nuốt nguyên cả viên bằng viên vitamin B1 có kích cỡ tương đương viên thuốc động kinh. Khi nào trẻ đã uống được cả viên thì hãy cho trẻ uống thuốc chống động kinh dạng viên.

Với trẻ quá bé, nên chọn thuốc dạng siro để điều trị vì các thuốc này dễ uống hơn rất nhiều so với dạng viên. Chỉ tiếc là các thuốc dạng siro chỉ có vài loại như đã đề cập ở trên. Khi trẻ đã đủ lớn, cố gắng dạy trẻ uống thuốc dạng viên.

Thuốc chống động kinh cần được uống hàng ngày, trong rất nhiều năm. Việc ngừng thuốc (dù là đã hết cơn động kinh và điện não đồ đã hoàn toàn bình thường) đều có thể dẫn đến nguy cơ tái phát động kinh rất cao.

PGS. TS. Bùi Quang Huy

((Chủ nhiệm Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103))

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!