Hoảng hốt tưởng con bị bệnh gan vì da vàng như nghệ: Nguyên nhân khiến nhiều mẹ bất ngờ

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Không ít bà mẹ hoảng hồn khi da của con bỗng dưng vàng như nghệ thậm chí lòng bàn tay, lòng bàn chân vàng đậm. Nguyên nhân có khi chỉ đến từ thực đơn cho bé hàng ngày.

Nhầm với bệnh gan

Vợ chồng chị Hoàng Diệu Thùy (Xa La, Hà Đông) mấy ngày nay như ngồi trên đống lửa vì con trai 13 tháng tuổi của chị bỗng dưng da cứ vàng ệch. Sợ con bị bệnh gan nên vợ chồng chị vội vàng cho bé đi khám. Khi làm xét nghiệm bác sĩ không thấy bất thường về gan nên giới thiệu vợ chồng chị khám dinh dưỡng.

Kết quả bất ngờ bé vàng da do được mẹ cho ăn quá nhiều bí đỏ và cà rốt. Theo chị Thuỳ, tết về quê thấy bà ngoại bé trồng nhiều cà rốt và bí đỏ. Vì là rau củ sạch nên chị đã mang lên Hà Nội và để vào ngăn mát tủ lạnh để dành riêng cho con ăn.

Ngày nào cũng thực đơn cà rốt và bí đỏ. Chị không hề biết rằng nó là nguyên nhân gây vàng da. Khi nghe bác sĩ giải thích chị mới té ngửa ra đây là lý do khiến chị nhầm với bé bị bệnh gan.

Hoảng hốt tưởng con bị bệnh gan vì da vàng như nghệ: Nguyên nhân khiến nhiều mẹ bất ngờ

Hình ảnh da vàng do ăn cà rốt, bí đỏ, đu đủ

Theo TS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng quốc gia, anh hay gặp các trường hợp bị vàng da đặc biệt là hai bàn tay vàng ệch như bôi nghệ. Nhiều bà mẹ sợ rau lá bị phun thuốc trừ sâu, tăng trưởng và chuyển qua củ quả như cà rốt và bí đỏ gây nên tình trạng vàng da ở trẻ.

Còn lương y Vũ Quốc trung cho rằng trong đông y cà rốt vị ngọt cay, tính hơi ấm, có tác dụng hạ khí bổ trung, yên ngũ tạng, tăng tiêu hoá, làm khoan khoái trong bụng.

Cà rốt có các tính chất: bổ, tiếp thêm chất khoáng, trị thiếu máu (làm tăng lượng hồng cầu và huyết cầu tố) làm tăng sự miễn dịch tự nhiên, là yếu tố sinh trưởng kích thích sự tiết sữa, làm cho các mô và da trẻ lại.

Tuy nhiên khi ăn quá nhiều cơ thể sẽ không chuyển hóa hết được beta-caroten. Chất này sẽ ứ đọng lại gây vàng mắt, vàng da, chán ăn nhiều người dễ nhầm tưởng là bị bệnh gan.

Quan niệm củ cà rốt sạch cũng không đúng vì cà rốt có thể hấp thu các chất hóa học từ đất nên củ cà rốt cũng có thể chứa rất nhiều nitrat. Đây là tiền chất gây ung thư.

Mẹ Mỹ cũng sai

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng - Phòng khám Nhi MD KIDS PEDIATRICS, TP Irving, Texas, Hoa Kỳ cho biết vàng da trong y khoa thường là nói tới tình trạng da bị vàng do tăng bilirubin trong máu do một số bệnh gây ra, làm cho da có màu vàng, duới luỡi vàng và VÀNG MẮT.

Thông thường mắt sẽ thấy vàng trước (bilirubin khoảng từ 2 trở lên) và sau đó là vàng da nếu bilirubin tăng cao hơn.

Bác sĩ Hưng cho biết anh cũng từng khám cho một bé khoảng một tuổi tới khám vì vàng da đặc biệt là ở lòng bàn tay, hai tay có màu vàng cam rực rỡ, tròng trắng mắt thì không vàng. Bác sĩ hỏi kỹ lại mẹ thì ngày nào cũng cho ăn cà rốt mấy tháng nay.

Lúc này, bác sĩ chỉ cần tư vấn mẹ cháu bé đổi thực đơn đi, đừng cho ăn cà rốt mỗi ngày nữa, vài tuần sau sẽ hết vàng. 1 tháng sau, mẹ cháu bé cho con quay lại khám, da hết vàng. Với trường hợp này bác sĩ Hưng cho biết bệnh nhi không cần thử máu hay thuốc men gì cả.

Hoảng hốt tưởng con bị bệnh gan vì da vàng như nghệ: Nguyên nhân khiến nhiều mẹ bất ngờ

Cà rốt ăn nhiều làm tăng lượng beta-carotene gây vàng da

Có một bệnh lý có thể gây vàng da mà không phải do bilirubin, đó là tình trạng tăng beta-carotene trong máu do ăn nhiều thức ăn có màu đỏ hay vàng. Carotene là tiền chất vitamin A, có nhiều trong các loại thức ăn hay được cho bé ăn nhiều vì được cho là bổ máu.

Bênh hay gặp ở trẻ nhỏ khi bị ép buộc ăn hoài mấy thứ này làm tăng lượng carotene trong cơ thể, mà gan trẻ chưa chuyển hóa hết được. Khi lượng carotene tăng khoảng 3-4 lần bình thường sẽ làm da ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu, mặt chuyển màu vàng cam. Tuy nhiên, mắt không vàng đây là dấu hiệu khác.

Có nhiều loại thức ăn có màu đỏ hay vàng có thể gây bệnh này, nhưng mấy thủ phạm hàng đầu là cà rốt, bí đỏ và đu đủ vì hai thứ này hay cho ăn mỗi ngày.

Bệnh này không gây tác hại gì cho cơ thể, sẽ tự hết khi ngưng ăn. Tuy nhiên khi khám bệnh cần phân biệt vàng da thực sự và vàng da do carotene để tránh chẩn đoán lầm, xét nghiệm, chữa trị không cần thiết.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!