Ngày 3/1, bác sĩ Lưu Đức Thọ - Trưởng khoa Ngoại chấn thương, bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, bệnh viện đã mổ tạo mỏm cụt bàn tay phải, phẫu thuật ghép da đùi phải, còn vùng đùi trái do tổn thương quá rộng nên chỉ thu nhỏ tổn thương khuyết hổng chờ ghép da cho một bệnh nhân bị thương khi học cách chế tạo pháo.
Bệnh nhân là em Phạm Xuân L. (SN 2006), trú xã Xuân Thịnh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nhập viện lúc 15h30 ngày 30/12/2019, trong tình trạng dập nát bàn tay phải và tổn thương nặng phần mềm 2 bên đùi, bỏng vùng ngực, 2 bên mắt.
Các y bác sĩ của bệnh viện đã nhanh chóng tổ chức hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Theo gia đình bệnh nhân, nam sinh này đã lên mạng xem hướng dẫn cách làm pháo nổ, sau đó dùng 50 bao diêm làm thuốc pháo, trong khi nhồi pháo ở tư thế kẹp quả pháo trong đùi thì phát nổ.
Sau khi được phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân phục hồi tốt và đang được các bác sĩ tiếp tục điều trị, theo dõi.
Các bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia cho biết, tổn thương do bỏng thuốc pháo thường dễ xảy ra ở mặt, cổ, hai tay. Tổn thương ở các vùng này có thể gây phù nề tiến triển nhanh, cản trở hô hấp gây suy hô hấp.
Bỏng vùng mặt cổ khi khỏi có thể để lại di chứng về thẩm mỹ, ảnh hưởng khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau bỏng. Trong khi, các cháu đều đang ở độ tuổi học đường. Tuy nhiên, bỏng ở hai tay và bàn tay có thể để lại di chứng sẹo co kéo ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và lao động sản xuất.
Để được đón chào năm mới trong an toàn và hạnh phúc, toàn xã hội cũng như gia đình, nhà trường và bản thân học sinh nên nhận thức được mối nguy hiểm của việc tự chế thuốc gây nổ, để cùng nhau có những hành động quyết liệt hơn ngăn chặn tình trạng tự chế tạo các loại thuốc nổ gây nguy hại.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!