Stress là một cảm giác được tạo ra để phản ứng với các sự kiện đặc biệt. Đó là cách cơ thể huy động sự tập trung, sức mạnh, sức chịu đựng và sự tỉnh táo cao nhằm chuẩn bị để đáp ứng một tình huống khó khăn và đối đầu với thách thức.
Tuy nhiên, nếu stress kéo dài cũng có thể gây ra hàng loạt vấn đề không tốt cho sức khỏe khi nó 'bùng nổ' hay vượt tầm kiểm soát.
Stress: Lợi và hại
Phản hồi của stress (còn gọi là phản ứng nhanh) có tính chất quyết định trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như khi lái xe, phanh xe gấp để tránh một tai nạn. Nó cũng có thể được kích hoạt trong một hình thức nhẹ hơn tại một thời điểm khi có áp lực nhưng không có nguy hiểm thật sự - như những hành động đột phá để giành chiến thắng trong trò chơi, sẵn sàng tham dự một cuộc thi quan trọng… Một chút căng thẳng có thể giúp bạn tự tin, sẵn sàng chấp nhận thách thức. Hệ thần kinh nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường và sẽ phản ứng lại khi cần thiết.
Ngược lại, những tình huống căng thẳng lâu dài có thể dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe con người. Hệ thống thần kinh vẫn duy trì áp lực và tiết ra các hoóc-môn gây stress trong thời gian dài. Điều này có thể làm tiêu hao năng lượng dự trữ của cơ thể, để lại cảm giác chán nản, cạn kiệt sức lực, làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, và gây ra nhiều vấn đề khác.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân dẫn tới quá tải stress
Một người phải chịu áp lực quá mạnh hoặc trong thời gian dài sẽ dẫn tới quá tải stress. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải stress nếu nó diễn ra trong thời gian dài:
- Bị bắt nạt hoặc tiếp xúc với bạo lực hay chấn thương.
- Mối quan hệ căng thẳng, xung đột gia đình, hoặc những cảm xúc nặng nề vì 'trái tim tan vỡ' hay mất mát người thân yêu.
- Những vấn đề đang diễn ra liên quan đến việc học, làm việc như mất khả năng học tập, làm việc… do bị ốm đau, bệnh tật hoặc các vấn đề khác. Lịch học luyện thi dày đặc, hoặc công việc bận rộn đến nỗi không có đủ thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn.
Một số tình huống căng thẳng quá nghiêm trọng cần có sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Suy nhược thần kinh là hậu quả của một phản ứng stress rất mạnh có thể phát triển ở những người đã trải qua một sự kiện quá đau buồn.
Dấu hiệu quá tải stress
Những người đang gặp tình trạng quá tải stress, căng thẳng có thể nhận biết một số các dấu hiệu sau đây: lo âu hay hoảng loạn vô cớ; thường xuyên có cảm giác bị dồn ép, quấy nhiễu, vội vã; hờn giận vô cớ hay buồn bực, ủ rũ; các triệu chứng như đau dạ dày, đau đầu, hoặc thậm chí đau ngực; bị dị ứng, chẳng hạn như chàm hoặc hen suyễn; mất ngủ; bê tha rượu chè, hút thuốc lá, ăn quá nhiều hoặc sử dụng ma túy; buồn bã hay trầm cảm.
Mỗi người có cách biểu hiện khác nhau khi bị stress. Một số người thể hiện sự căng thẳng qua hành động trút giận lên những người khác. Trong khi số người còn lại gặp triệu chứng rối loạn ăn uống hay lạm dụng thuốc. Hơn thế nữa, những người bị bệnh mãn tính có thể thấy rằng các triệu chứng bệnh tật của họ ngày càng trầm trọng hơn khi sống với stress.
Cân bằng giữa cuộc sống và công việc để giảm căng thẳng
Kiểm soát stress
Phương pháp hữu ích nhất đối phó với stress là học cách để quản lý sự căng thẳng tức là chấp nhận đương đầu với những thách thức mới, dù tốt hay xấu. Các kỹ năng quản lý stress sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi chúng được đem ra sử dụng thường xuyên ngay cả khi không có áp lực. Hiểu rõ làm cách nào để kiểm soát stress và cách thức thực hiện điều đó sẽ giúp bạn xử lý những tình huống khó khăn có thể xảy ra trong tương lai một cách bình tĩnh.
Dưới đây là một vài điều có thể giúp bạn kiểm soát stress:
Không nên làm việc quá sức: Nếu bạn đang cảm thấy công việc quá nhiều, hãy chủ động cắt bỏ một vài hoạt động, chỉ tập trung làm những công việc thật sự quan trọng.
Hãy sống thực tế: Đừng lý tưởng hóa bản thân mình. Những ước muốn của bạn về sự hoàn hảo của một người nào đó có thể làm gia tăng mức độ căng thẳng của bạn, đó là chưa kể đến những áp lực mà những người đó phải gánh chịu. Hãy nói ra những ước muốn của mình khi bạn gặp trở ngại, kể cả trong việc học.
Hãy ngủ ngon giấc: Giấc ngủ ngon sẽ giúp giữ cho cơ thể và tâm trí của bạn ở 'phong độ' cao nhất, bạn sẽ có đủ sức khỏe để đối phó với những căng thẳng bất kỳ.
Hãy học cách thư giãn: Thư giãn chính là liều thuốc hóa giải stress tốt nhất cho bạn. Đó là khi bạn đối diện với sự căng thẳng, thư giãn tốt sẽ đem lại cho bạn một cảm giác hạnh phúc và an bình. Bạn sẽ kích hoạt những phản ứng hóa học có lợi cho cơ thể chỉ bằng cách thực hành thư giãn qua các bài tập hít thở đơn giản, bạn sẽ có đủ tinh thần để đối phó với các tình huống gây căng thẳng; xây dựng thời khóa biểu cho các hoạt động làm việc, học tập, vui chơi, giải trí.
Hãy chăm sóc bản thân: Các chuyên gia đồng ý rằng tập thể dục thường xuyên giúp bạn chế ngự căng thẳng. Tuy nhiên tập thể dục quá sức hay không tự nguyện có thể dẫn tới stress. Do đó sự điều độ trong tập thể dục là cần thiết và việc ăn uống hợp lý cũng giúp bạn khỏe mạnh. Bạn cũng sẽ dễ dàng bị stress sau khi ngốn căng bụng một cách vội vã các loại thức ăn vặt hay thức ăn nhanh. Trong lúc căng thẳng, cơ thể cần vitamin và khoáng chất hơn bao giờ hết.
Hãy cẩn trọng trong suy nghĩ: Học cách suy nghĩ tích cực, lạc quan, yêu đời.
Tự hoàn thiện khả năng ứng biến của bạn bằng cách bắt đầu làm việc theo những cách cư xử sau:Hãy nghĩ rằng sự thay đổi như là một phần tất yếu của cuộc sống; nhìn nhận vấn đề theo hướng thất bại là mẹ của thành công; kiên định mục tiêu và làm việc đến nơi đến chốn; hành động để giải quyết các vấn đề mới nảy sinh; giữ vững lập trường trước sau như một trong quan hệ với gia đình, bạn bè; xây dựng kế hoạch dự phòng và một hậu phương vững chắc…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!