Mới đây, xã hội xôn xao về trường hợp một em bé tại Vĩnh Phúc sinh ra với cân nặng kỷ lục 7,1 kg. Trước đó đã xuất hiện những trẻ sơ sinh hơn 6kg ở Gia Lai, Nam Định, Quảng Nam và Đà Nẵng. Nhưng có lẽ đây là em bé ‘khủng’ được ghi nhận mắc Hội chứng trẻ sơ sinh thừa cân.
Trẻ sơ sinh: Có phải càng to càng tốt?
Mẹ con cùng khỏe mạnh khi vượt cạn chính là mong ước của mọi bà bầu. Theo BS. Nguyễn Cảnh Chương, Giảng viên Bộ môn Phụ sản, Đại học Y Hà Nội, trẻ sơ sinh bình thường khi có cân nặng vượt 3,5 kg ở lần sinh đầu hoặc 3,8 kg ở những lần sinh sau sẽ được coi là nặng cân. Tỷ lệ trẻ sơ sinh thừa cân đang là 15% mỗi năm, trong khi 10 năm trước chỉ vài phần trăm.
Nhìn bên ngoài, trẻ sơ sinh thừa cân bụ bẫm, đáng yêu nhưng thực ra, không khỏe như ‘bạn bè’ trong ‘mức cân nặng chuẩn’. Thực chất, những đứa trẻ này dễ mắc nhiều bệnh như hạ đường huyết, suy hô hấp, đặc hồng cầu, vàng da bệnh lý, đái tháo đường, sỏi mật.
Trẻ sinh ra khỏe mạnh là mong ước của mọi bà mẹ
Một công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí ‘The International Journal of Cancer Online’ của hai nhà khoa học Thụy Điển và Anh còn khẳng định: Trẻ sơ sinh thừa cân có nguy cơ cao mắc ung thư, bệnh đường tiêu hóa khi lớn lên. Bé gái phải đối diện với bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
Hội chứng trẻ sơ sinh thừa cân còn có thể khiến trẻ có nguy cơ cao bị béo phì. Trong một khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, trẻ sinh ra lớn hơn 3,5 kg dễ béo phì hơn 2,4 lần so với những trẻ khác. Nguy cơ này tăng cao hơn nếu trẻ không được bú sữa mẹ, lên tới 2,8 lần, theo BS Nguyễn Thanh Danh, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM.
Trẻ sơ sinh thừa cân cần nhận được sự chăm sóc đặc biệt, chặt chẽ theo đúng chỉ số phát triển chiều cao, cân nặng theo độ tuổi của trẻ, bởi lẽ bệnh viện chỉ theo dõi trẻ trong một thời gian ngắn, còn lại sẽ phụ thuộc chủ yếu vào cha mẹ.
Cần chú ý gì để ‘mẹ vừa khỏe, con vừa cân’?
Mẹ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ được coi là nguyên nhân chủ yếu sinh con thừa cân. Nhiều mẹ bầu cho rằng phải ăn cho cả hai người nên ra sức ăn thật nhiều, khiến cân nặng trong thai kì tăng chóng mặt. Theo bác sĩ Ngô Minh Xuân, Trưởng Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm.
Nhu cầu năng lượng ở mẹ bầu hơn người thường khoảng 30% (tương đương 500-600 kcalo/ngày), quan trọng là sự cân đối trong bữa ăn và đa dạng hợp lý về dưỡng chất, không phải cứ ăn nhiều đồ béo, ngọt là tốt.
Trẻ sơ sinh nguy cơ thừa cân nếu cha mẹ béo phì. Tỷ lệ này là 3,4-6,2 lần so với trẻ có cha mẹ bình thường.
Trẻ sơ sinh thừa cân là điều cần cẩn trọng
Ngoài ra, trẻ có thể thừa cân nếu anh/chị trước đó cũng thừa cân khi sinh ra; người mẹ được sinh ra nặng cân; hay mang thai quá ngày sinh với bánh nhau khỏe mạnh; mẹ sinh con khi trên 35 tuổi hoặc mắc bệnh hiếm…
Bác sĩ Nguyễn Thanh Danh khuyến cáo sự tăng cân của thai nhi phụ thuộc vào sự tăng cân của mẹ. Theo đó, mẹ bầu nên tăng 9-12 kg trong suốt thai kỳ: 3 tháng đầu tăng 1-2 kg; 3 tháng giữa tăng 3-4 kg; 3 tháng cuối tăng 5-6 kg. Thai nhi sẽ đạt được 3kg khi chào đời.
Do đó, việc bổ sung dưỡng chất có cân nhắc, chế độ tập luyện hợp lý chính là yếu tố vô cùng quan trọng. Theo Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, nhóm thực phẩm nhiều đạm, canxi (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua…) cần được ưu tiên. Rau quả tươi là phần không thể thiếu, đó là nguồn cung cấp vitamin C, vitamin A, vitamin E giúp bà mẹ tăng cường sức đề kháng; cung cấp chất sắt, axit folic tham gia vào quá trình tạo máu...
Mỗi ngày cần uống 1,5 lít nước, gồm nước lọc, nước rau củ quả. Tránh các nước ngọt, nước tăng lực, chứa chất kích thích. Nhóm thực phẩm giàu chất béo cũng cần bổ sung nhưng không nên lạm dụng.
Ảnh minh họa: Internet
BCN(Tổng hợp)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!