Những câu chuyện niềng răng biến vịt thành thiên nga luôn là tâm điểm chú ý của đa số các bạn trẻ thời nay. Phần vì giúp nhan sắc 'lên hương', phần lại giúp nụ cười thêm phần tự tin nên các bạn trẻ đã không ngại khổ chịu đeo 'hàm răng sắt' để thiết lập lại khuôn hàm của mình.
Mỗi người sẽ có một khuyết điểm về răng riêng, nhưng tựu chung thì họ đều tin rằng, sau khi niềng răng, chắc chắn sẽ không còn ngại cười nữa mà tự tin hơn rất nhiều. Cùng xem qua một vài chia sẻ từ những bạn trẻ đang đeo 'răng sắt' để lấy thêm động lực đi niềng răng bạn nhé!
Ngô Lệ Ngân (1996) - Hà Nội
Sở dĩ phải đi niềng răng là vì Lệ Ngân có một chiếc răng cửa bị mọc chèn lên các răng khác, điều này khiến cô bạn cảm thấy thiếu tự tin khi giao tiếp. Sau khi đi khám, bác sĩ cho biết, Lệ Ngân còn bị lệch khớp cắn và đường chỉ răng giữa hai hàm cũng lệch nhau nên cần phải niềng răng ngay để tránh tình trạng về già bị rụng răng. Ngoài ra, một yếu tố nữa khiến Lệ Ngân quyết tâm đi niềng răng có liên quan đến người yêu cũ. Ngày trước, chính anh chàng này đã chê Lệ Ngân có răng xấu nên cô nàng càng cảm thấy tự ti hơn.
Lệ Ngân bắt đầu niềng răng từ ngày 18/03/2019, cô bạn này lựa chọn phương pháp niềng răng mắc cài kim loại tự buộc và sau khoảng 2 năm sẽ được tháo niềng. Tổng chi phí niềng răng của Lệ Ngân hết 41 triệu rưỡi.
Hiện tại thì Lệ Ngân đã trải qua hơn 2 tháng rưỡi đeo 'răng sắt', tức là mới chỉ được khoảng 1/10 quãng thời gian 'biến thành thiên nga'. Tuy nhiên, cô bạn này không quá sốt ruột chuyện niềng răng và luôn tự nhủ rằng 'đẹp muộn còn hơn không bao giờ đẹp'.
Nói về những vấn đề thường hay gặp phải trong quá trình niềng răng, Lệ Ngân cho biết: 'Trong nửa tháng đầu tiên, mình cảm thấy rất đau và chỉ ăn được súp, sau nửa tháng thì ăn được cá mà khóc vì hạnh phúc. Tiếp đó là stress, mình vốn chỉ cao 1m67, nặng có 44kg, sau khi niềng răng càng sợ gầy hơn nên cố uống sữa, ăn thêm váng sữa và mấy đồ nhuyễn mềm. Ăn nhiều đến mức phát sợ nhưng vẫn cố ăn để không sút cân. Sau đấy là chuyện vệ sinh răng miệng cũng rất mệt mỏi, cứ ăn xong là phải đánh răng nếu không thì ngậm miệng vào chả dám nói chuyện với ai. Ngoài ra, vì thuộc dạng nong hàm rộng ra nên mắc cài cọ vào khiến niêm mạc miệng của mình luôn bị xước và rỉ máu. Đặc biệt, mình còn bị chốc mép trong khoảng 1 tháng và giờ môi ở chỗ tiếp xúc với mắc cài cứ bong hết lớp da này đến lớp da khác, bôi kem dưỡng mà thấy xót xa thôi rồi'.
Ngoài những vấn đề trên thì Lệ Ngân còn bị bung mắc cài thường xuyên nên phải tới phòng khám để chỉnh mắc cài liên tục. Sau cùng, bác sĩ đã tháo bỏ để làm riêng một chiếc mắc cài đặc biệt cho Lệ Ngân. Cô bạn này cho biết: 'Nó như một cái vỏ bọc răng nhưng có thêm mắc cài, xong cái răng đó thì đến cái răng số 6 bên còn lại biểu tình. Do đó, mình phải đi đặt lại chun tách kẽ và gắn vòng. Sau 2 tháng thì hàm dưới mới ổn định được'.
Lệ Ngân chia sẻ, sau khi niềng răng, cô bạn này bắt đầu làm quen với bàn chải kẽ và thun liên hàm. Giờ thì đã dần quen với 'hàm răng sắt' nên cũng bớt stress và thoải mái hơn trước.
Trương Thị Hồng Xuân (1991) - TP. Hồ Chí Minh
Hồng Xuân có ước mơ niềng răng từ khi còn nhỏ do phần răng cửa bị to và chìa ra ngoài. Bác sĩ gọi trường hợp răng của Hồng Xuân là răng hô, các răng bên cạnh bị xô lệch rất nhiều nên cô bạn này không tự tin mỗi khi cười hở răng. Tới khi đi làm và đủ điều kiện kinh tế, Hồng Xuân mới quyết định thay đổi bản thân bằng bước ngoặt đi niềng răng.
Hồng Xuân đi niềng răng từ tháng 4 năm 2018, cô bạn này chọn phương pháp niềng răng mắc cài kim loại vì độ phổ biến và tính ổn định trong suốt quá trình niềng. Case của Hồng Xuân mất khoảng 2 năm sẽ được tháo niềng và tổng chi phí mà cô bạn này phải bỏ ra là hơn 28 triệu.
Hiện tại, Hồng Xuân đã trải qua hơn 16 tháng niềng răng. Thời gian đầu, do chưa quen nên cô bạn này cảm thấy rất khó khăn trong chuyện ăn uống, thậm chí, Hồng Xuân còn từng nghĩ tới chuyện tháo niềng. Tuy nhiên, sau 1 tháng quen dần với bộ 'răng sắt' này thì Hồng Xuân đã không còn thấy khó chịu nữa. Cho đến thời điểm hiện tại, dù quá trình niềng răng diễn ra rất chậm nhưng cô bạn này tin rằng mình sẽ sớm có hàm răng vào khuôn đẹp như mong muốn nên không để ý nhiều đến chiếc niềng nữa.
Trong quá trình đeo niềng thì vấn đề đầu tiên mà Hồng Xuân gặp phải là không nhai được sau khi gắn mắc cài lần đầu. Lúc đó, hai hàm răng của Xuân đau ê ẩm, chỉ có thể uống nước và húp cháo qua ngày. Sau đó là vấn đề vệ sinh răng, khi ăn thì thức ăn sẽ bám rất nhiều vào mắc cài và kẽ răng, gây khó khăn trong việc vệ sinh mà không lấy hết thì nguy cơ sâu răng, tụt lợi là rất cao. Do đó, khi niềng răng cũng cần đòi hỏi việc dành thời gian chăm sóc rất nhiều.
Sau khi niềng răng, cứ cách khoảng 2 - 3 tuần, Hồng Xuân lại tới phòng khám nha khoa để kiểm tra răng theo lịch hẹn của bác sĩ. Điều này giúp bác sĩ theo dõi được tiến độ răng chạy vào khuôn của Hồng Xuân và thay dây cung cũng như làm các phác đồ tiếp theo để răng nhanh về khuôn như ý muốn. Hàng ngày, Hồng Xuân cũng đem theo chỉ nha khoa, bàn chải kẽ và máy tăm nước để thuận tiện trong việc vệ sinh răng.
Trần Hoàng Nam (1992) - Hà Nội
Khoảng 3 năm trước, Hoàng Nam từng suy nghĩ tới chuyện làm răng sứ nhưng sau khi tìm hiểu kỹ hơn thì cậu bạn này thấy phương pháp trên để lại rất nhiều tác hại và hệ quả xấu sau khi thực hiện. Do đó, Hoàng Nam quyết định lựa chọn phương pháp niềng răng với mục đích khắc phục những chiếc răng xô lệch ở hàm dưới. Ban đầu, Hoàng Nam cũng khá lo ngại vì quá trình niềng răng mất nhiều thời gian. Cho đến khi hai người bạn thân của Hoàng Nam quyết định đi niềng răng thì cậu bạn này mới thôi thúc ý chí đi 'lột xác' cho bộ răng của mình.
Khi đi khám răng, bác sĩ nói trường hợp răng của Hoàng Nam chỉ bị xô lệch ở hàm dưới nên quá trình niềng sẽ mất khoảng 12 - 15 tháng là được tháo niềng. Tới tháng 7 năm 2017, Hoàng Nam bắt đầu niềng răng và cậu bạn này chỉ cần mài các kẽ răng để có khoảng trống kéo răng vào chứ không cần nhổ răng. Hoàng Nam lựa chọn phương pháp niềng răng mắc cài kim loại và do lúc đó đang trong đợt ưu đãi nên tổng chi phí của cậu bạn này chỉ mất 15 triệu.
Tuy nhiên, tới hiện tại thì Hoàng Nam đã trải qua 23 tháng đeo niềng và bác sĩ nói vẫn chưa được tháo. Vậy là chậm hơn so với bác sĩ dự định là 8 tháng nên Hoàng Nam cảm thấy rất sốt ruột. Dù vậy, cậu bạn này vẫn luôn tự an ủi bản thân là sắp được tháo niềng rồi. Một phần lý do nữa khiến case của Hoàng Nam chậm hơn có lẽ là do lúc niềng răng thì cậu bạn này đã 25 tuổi nên quá trình niềng cũng mất thời gian hơn.
Những ngày đầu mới đeo niềng thì Hoàng Nam cảm thấy rất khó chịu vì các mắc cài cọ vào má, lưỡi, gây nhiệt miệng, nhiệt lưỡi rất nhiều. Tiếp sau đó là vấn đề vệ sinh răng, đặc biệt là sau khi ăn uống, thức ăn thừa đều sót lại trên mắc cài, muốn lấy ra rất khó nếu không có dụng cụ hỗ trợ. Có những khoảng thời gian, vì quá đau nhức nên Hoàng Nam chỉ có thể húp cháo qua ngày. Thỉnh thoảng, cậu bạn này còn bị rơi mất mắc cài và dây cung dài quá lại chọc vào lợi.
Cứ cách khoảng 2 tuần, Hoàng Nam sẽ tới khám răng theo lịch hẹn. Ban đầu, bác sĩ cho Hoàng Nam một hộp sáp để khi mắc cài cọ vào lợi thì vê sáp vào chỗ mắc cài cho đỡ đau. Sau đó, Hoàng Nam bổ sung thêm bàn chải dành riêng cho người niềng răng. Cậu bạn này cũng mang theo cả gương để có thể soi răng mọi nơi cùng một loại tăm có 1 đầu nhọn và 1 đầu là chỉ nha khoa.
Bộ dụng cụ hỗ trợ trong quá trình niềng răng của Hoàng Nam.
Qua đây, Hoàng Nam cũng chia sẻ rằng, niềng răng tuy hơi vất vả nhưng kết quả nhận được sẽ rất xứng đáng. Thêm nữa, bạn cũng cần chú ý tìm hiểu thật kỹ trước khi có ý định đi niềng răng tại bất kỳ cơ sở nào.
Nguyễn Thêu (1998) - Hà Nội
Sau khi xem những màn 'vịt hóa thiên nga' từ các bạn trẻ trên khắp thế giới, cô bạn Nguyễn Thêu đã lấy được động lực đi niềng răng. Theo đó, Nguyễn Thêu có phần khớp cắn bị ngược, mọc xiên xẹo, không đều nhau nên cần đi niềng răng để khắc phục.
Đối với trường hợp răng của Thêu, bác sĩ chỉ định quá trình niềng sẽ mất khoảng từ 20 - 24 tháng. Thêu lựa chọn phương pháp niềng răng mắc cài sứ vì tính thẩm mỹ cao hơn so với mắc cài kim loại. Hiện tại, cô bạn này chỉ mới niềng được hơn 3 tuần và tổng chi phí ca niềng hết 36 triệu.
Vì mới đeo niềng được 3 tuần nên cảm giác đợi chờ, hụt hẫng cũng khá nhiều. Bình thường, Thêu nhận thấy 3 tuần trôi qua nhanh lắm nhưng sau khi niềng răng, cô bạn này cảm thấy một ngày trôi qua dài như cả tháng. Dù vậy, Thêu luôn tự an ủi mình rằng, muốn đẹp thì không vội được, qua 2 năm là sẽ tự tin hơn với nụ cười của mình.
Trước và trong khi niềng thì Thêu cũng có follow một group chuyên bàn về chuyện niềng răng trên Facebook nên cô bạn này đã tham khảo được rất nhiều kinh nghiệm. Thật may là ca niềng răng của Thêu không gây đau, gắn mắc cài xong chỉ thấy chưa quen, hơi vướng và khó ăn một chút nên Thêu ăn cháo trong 10 ngày đầu, tới giờ thì đã ăn cơm được rồi. Ngoài ra, thỉnh thoảng Thêu cũng gặp vấn đề như nhiệt miệng, sưng lợi nhưng đó là vấn đề thường gặp khi niềng răng nên không cần quá lo lắng.
Nếu không có vấn đề gì thì cứ cách khoảng 2 tuần, Thêu sẽ tới kiểm tra răng của mình và thay chun cố định. Sau khi niềng răng, cô bạn này cũng làm quen với một số dụng cụ hỗ trợ như sáp nha khoa, bàn chải chuyên dụng, máy tăm nước và kem đánh răng riêng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!