Hôn nhân đồng giới: Mảnh ghép của xã hội hiện đại

Sức khỏe sinh sản - 05/07/2024

Việc chấp nhận hôn nhân đồng giới là thay đổi định kiến, kỳ thị chứ không phải là thay đổi giá trị truyền thống.

Năm 2013, Dự luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi đã bỏ quy định ‘cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính’ như trong luật hiện hành, nhưng khẳng định: ‘Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân đồng tính’. Theo ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hành chính - Bộ Tư pháp, đây được coi là một bước tiến đáng kể khi luật ‘không coi hôn nhân đồng giới là điều cấm kỵ, tôn trọng quyền con người'.

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về thực trạng và những điểm tích cực của hôn nhân đồng giới, một mảnh ghép của cuộc sống hiện đại ngày nay.

Thực trạng hôn nhân đồng giới tại Việt Nam

Hiện nay, tình trạng công khai đồng tính, lưỡng tính đang trở nên khá phổ biến. Điều này không chỉ xảy ra ở những nước châu Âu mà còn ngày một ‘nở rộ’ ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo báo cáo khoa học từ tổ chức WHO của Liên hợp quốc, khoảng 3% dân số có thiên hướng đồng tính. Nếu như tỉ lệ này áp dụng ở Việt Nam (khoảng 90 triệu dân) thì cả nước có khoảng 2,7 triệu người đồng tính. Trên thực tế tình trạng sống chung như vợ chồng của những cặp đồng tính đang diễn ra theo chiều hướng gia tăng nhanh.

Hôn nhân đồng giới: Mảnh ghép của xã hội hiện đại

Bộ ảnh cưới gây chấn động đầu tiên của cộng đồng LGBT là của đôi đồng tính nữ tại Hà Nội là Ngô Quang Minh và Thùy Linh vào năm 2010

Ban đầu những người đồng tính còn e dè chia sẻ những hình ảnh hạnh phúc bên nhau nhưng sự cởi mở của cộng đồng đã giúp họ dũng cảm và thể hiện tình cảm của mình hơn. Những đám cưới đồng tính liên tục xuất hiện trên các trang cá nhân và thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như tốn không ít giấy mực của giới báo chí.

Dĩ nhiên, việc tổ chức này chỉ có ý nghĩa tinh thần, như một thông báo về sự công khai xu hướng tính dục, lựa chọn bạn đời mà thôi.

'Điểm cộng' của kết hôn đồng giới

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đan Mạch chỉ ra rằng, tuổi thọ của đàn ông kết hôn đồng tính đã tăng đáng kể, thậm chí cao hơn đàn ông không kết hôn hoặc ly hôn. Nghiên cứu đáng chú ý này vừa được tác giả Morten Frisch đăng tải trên tờ Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế về Dịch tễ học (International Journal of Epidemiology).

Ngoài ra, hôn nhân đồng giới còn có nhiều lợi ích khác.

Hôn nhân đồng giới giúp mối quan hệ của những người đồng tính trở nên gắn kết hơn, có trách nhiệm hơn.

Ở một số nước thừa nhận đồng tính như Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy... người ta nhận thấy rằng sự gắn bó, chung thủy trong hôn nhân đồng giới đã giúp giảm đáng kể nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường tình dục.

Hôn nhân đồng giới: Mảnh ghép của xã hội hiện đại

Bộ ảnh cưới của hai chàng trai Cường và Thương được biết đến khá nhiều bởi những nét mộc mạc, giản dị của hạnh phúc đời thường

Hôn nhân đồng giới có tính bình đẳng tương đối cao vì hai người ít có sự phân công lao động hay trách nhiệm theo giới. Một nhóm nghiên cứu ở Vermont, Mỹ đã dành 3 năm đã tìm hiểu về chất lượng cuộc sống lứa đôi của các cặp đồng tính sống chung có đăng ký và các cặp kết hôn truyền thống. Kết quả cho thấy, các cặp đồng tính sống chung có đăng ký có mối quan hệ hài hòa hơn, gần gũi nhau và ít xảy ra xung đột hơn so với các cặp kết hôn giữa nam và nữ bình thường.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của nhận thức, những định kiến về người đồng tính đã dần được gỡ bỏ. Mọi người đã có cái nhìn ‘thoáng’hơn về xu hướng tình dục này. Tính đến 17/7/2013, đã có 14 quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới là Anh, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Na Uy,  Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Iceland, Argentina, Đan Mạch, Uruguay, New Zealand, Pháp. Ngoài ra, một số bang tại Mỹ, Mexico và Brazil cũng cho phép các cặp đồng tính kết hôn.

Tại Canada, nghiên cứu trên một quần thể kết hôn đồng cho thấy, các cặp đôi đồng tính có chỉ số thỏa mãn với cuộc sống chung tăng lên, lòng tự tin cũng tăng lên và sự kỳ thị giảm đáng kể.

Như vậy, hôn nhân đồng giới có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe, tâm lý cộng đồng và các vấn đề liên quan đến phúc lợi khác.

Duy trì nòi giống và nuôi dạy con cái

Nhiều người còn e ngại hôn nhân đồng giới vì cho rằng việc làm này sẽ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, việc duy trì nòi giống và nuôi dạy con cái truyền thống.

Có thể hôn nhân đồng giới ít nhiều sẽ ảnh hưởng một phần nào tới việc duy trì nòi giống. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này chưa đến mức độ đáng báo động.

Người đồng tính là những người nam giới hoặc phụ nữ có cấu tạo sinh học giống như những người dị tính, chỉ khác biệt duy nhất là khuynh hướng tình dục. Thay vì yêu người khác giới thì họ yêu người cùng giới. Chính vì vậy, khả năng sinh con của họ là bình thường như những người dị tính khác.

Hôn nhân đồng giới: Mảnh ghép của xã hội hiện đại

Bộ ảnh cưới của hai chàng trai Sài thành Đình Luân và Bá Phi được đăng tải vào giữa năm 2011

Ngày nay, với khoa học phát triển, việc sinh con không còn là vấn đề quá khó khăn. Người đồng tính có thể mang thai nếu muốn nhờ vào những can thiệp của kỹ thuật sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm hay mang thai hộ...

Có nhiều ý kiến cho rằng không nên để các cặp đôi đồng giới sinh và nuôi con vì có thể làm đứa trẻ không phát triển bình thường. Tuy nhiên, suy nghĩ này đã bị bác bỏ hoàn toàn. Hội Nhi khoa Hoa Kỳ đã kết luận không có bằng chứng nào chỉ ra bất kỳ nguy cơ cho sự phát triển của trẻ khi trẻ được nuôi dưỡng trong các gia đình có hai ông bố hoặc hai bà mẹ.

Một số nghiên cứu khác còn chỉ ra, những đứa trẻ được đồng tính nữ sinh ra (nhờ xin tinh trùng) được nuôi dưỡng trong gia đình đồng tính nữ có một số khả năng thậm chí vượt trội hơn so với những đứa trẻ trong gia đình có hôn nhân truyền thống.

Một số nghiên cứu về khả năng nuôi dạy con của những cặp đôi đồng tính nam cũng cho thấy sự vượt trội hơn với các ông bố dị tính khi họ có khả năng chăm sóc những đứa trẻ giống như người mẹ.

Vì vậy, thực chất, việc chấp nhận người đồng tính hay hôn nhân đồng giới là sự thay đổi định kiến, sự kỳ thị chứ không phải là thay đổi chuẩn mực sống hay giá trị truyền thống. Họ mong muốn được bảo vệ, không bị kỳ thị, phân biệt đối xử ở trường học, cơ sở y tế và trong xã hội. Họ cũng muốn có một gia đình được pháp luật thừa nhận để chăm sóc và nương tựa vào nhau lúc hoạn nạn.

Hôn nhân đồng giới: Mảnh ghép của xã hội hiện đại

Tháng 8/2013, bộ ảnh cưới đồng tính của cặp đôi Andy và Sơn cũng gây không ít chú ý

Ảnh minh họa: Internet
 Minh Minh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!