Hướng dẫn sơ cứu bỏng hiệu quả

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Bỏng là một tai nạn thường gặp trong lao động và sinh hoạt hằng ngày.

Tác nhân gây bỏng có nhiều loại:

- Bỏng nhiệt thường gặp nhất, chia thành 2 nhóm: do nhiệt khô (lửa, tia lửa điện, kim loại nóng chảy...) và do nhiệt ướt (nước sôi, thức ăn nóng sôi, dầu mỡ sôi, hơi nước nóng...)

- Bỏng điện: do luồng điện có hiệu điện thế thông dụng (<1000V) và do luồng điện có hiệu điện thế cao (>1000V). Sét đánh cũng gây bỏng do luồng điện có hiệu điện thế cao.

- Bỏng hóa chất, hay gặp bỏng do vôi tôi nóng là loại bỏng vừa do sức nhiệt vừa do chất kiềm.

- Bỏng do các bức xạ: tia hồng ngoại, tia tử ngoại, tia Rơnghen, tia laser...

Cách sơ cứu khi bị bỏng:

- Khẩn trương tìm mọi cách để sớm loại trừ tác nhân gây bỏng như ngắt cầu dao điện, dùng nước hoặc cát để dập tắt lửa, hoặc có thể dùng áo khoác, chǎn, vải bọc kín chỗ đang cháy để dập lửa (không dùng vải nhựa, ni lông để dập lửa).

Hướng dẫn sơ cứu bỏng hiệu quả

Ảnh minh họa

- Cắt bỏ phần quần áo đang cháy âm ỉ hoặc bị thấm đẫm nước nóng, dầu nóng hay các dung dịch hóa chất. Chú ý trong quá trình này tránh làm tổn thương thêm vết bỏng.

- Bọc vùng bỏng chắc chắn rồi đổ nước lạnh lên. Với những vết bỏng ở tay, chân có thể để dưới vòi nước máy chảy trực tiếp lên vùng bỏng trong 20-30 phút hoặc ngâm phần chi bị bỏng trong nước lạnh nhưng phải thay nước thường xuyên 3-4 phút một lần cho đến khi nạn nhân thấy đỡ đau rát.

- Tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, ủng, vòng, nhẫn... trước khi vết bỏng sưng nề.

- Che phủ vùng bỏng bằng gạc, vải vô khuẩn (nếu có) hoặc bằng gạc hoặc vải sạch.

Nếu bị bỏng rộp (bỏng độ 2), lớp biểu bì và một phần của lớp trung bì bị tổn thương, các túi phỏng nước được hình thành. Khi các túi phỏng nước vỡ ra sẽ để lộ bề mặt màu hồng, cảm giác đau rát.

Khi được sơ cứu đúng cách, giữ sạch vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn thì bỏng độ 2 sẽ tự khỏi sau vài ba tuần.

Lưu ý: cần giữ sạch vết bỏng, tránh để nhiễm bẩn, vỡ nốt phồng rất dễ nhiễm khuẩn. Vết phồng nhỏ sẽ xẹp dần sau vài ngày.

Nếu vết bỏng phồng rộp quá to, gây đau rát và dễ vỡ, bạn có thể đến các cơ sở y tế để chích vết phồng làm thoát bớt dịch, tránh làm nhiễn khuẩn vết bỏng.

Nếu được giữ sạch, hầu hết các vết bỏng sẽ lành tự nhiên. Việc bôi bất kỳ loại thuốc nào lên vết bỏng cho chóng lành cần do bác sĩ chỉ định dựa trên tổn thương cụ thể, bạn không nên tự ý bôi, đắp các loại kem, thuốc... để tránh gây nhiễm trùng, để lại sẹo xấu.

BS. Đặng Phương Liên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!