Sự cầu tiến hay trí tuệ quan trọng hơn? Câu hỏi này đã gây ra rất nhiều tranh luận từ trước đến nay.
Nhưng thực sự, hầu hết chúng ta đều có xu hướng nghĩ rằng những người có trí thông minh thiên bẩm sẽ nghiễm nhiên bỏ xa người còn lại.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của nhà tâm lý học người Mỹ Caro S. Dweck sẽ làm thay đổi suy nghĩ của bạn (và cả thái độ của bạn nữa).
Một thái độ tốt, sự cầu tiến trong cuộc sống quan trọng như thế nào?
Nhà tâm lý học người Mỹ Caro S. Dweck đã dành cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu về thái độ và năng lực. Và theo nghiên cứu gần đây nhất của bà, thái độ sẽ dẫn bạn tới thành công tốt hơn là trí thông minh (IQ) của bạn. Theo đó, con người chúng ta có hai xu hướng tư duy chính: cầu tiến và sự ổn định.
Những người có tư duy ổn định luôn tin, mình biết rõ năng lực bản thân và điều đó là không thể thay đổi. Tuy nhiên một vài vấn đề sẽ xuất hiện khi bạn gặp phải thách thức trong cuộc sống. Và nếu chúng vượt quá khả năng của bạn, hẳn bạn sẽ cảm thấy chán nản và tuyệt vọng.
Trong khi đó, những người có thái độ cầu tiến tin rằng họ có thể tiến bộ nếu cố gắng. Họ luôn tìm cách đương đầu với thử thách và thường sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề tốt, ngay cả khi chỉ số IQ của họ thấp hơn những người khác. Đó là bởi vì họ chấp nhận thử thách và coi chúng như cơ hội để học hỏi điều mới.
Tiến sĩ Dweck đã thực hiện một thí nghiệm, xét xem thái độ tư duy của sinh viên tác động thế nào lên kết quả học tập.
Đối tượng nghiên cứu của bà là các sinh viên ngành Y đang chuẩn bị đương đầu với một bài kiểm tra khó. Trước đó, đã có rất nhiều sinh viên làm bài không tốt trong bài kiểm tra giữa kì, với điểm trung bình cho bài kiểm tra giữa kì là C+ (thang điểm ở Mỹ tính theo chữ cái từ A đến F).
Kết quả cho thấy, những sinh viên có thái độ lười nhác và không biết cách khống chế sự thất vọng vì điểm giữa kì sẽ tiếp tục làm không tốt trong bài kiểm tra tiếp theo.
Những sinh viên này bị mất hứng trong việc học hành và cố viện lí do cho việc làm bài giữa kì không tốt. Tuy nhiên những sinh viên có thái độ cầu tiến thì lại đạt kết quả ngược lại. Họ cố gắng tìm cách để học hiệu quả hơn, từ đó tăng động lực cho mình. Sự nỗ lực này đã giúp tăng hiệu quả làm bài trong lần kiểm tra tiếp theo.
Theo Dweck, điều này có nghĩa rằng nếu sinh viên có thái độ lười nhác, an phận với khả năng của bản thân sẽ dễ dàng bỏ cuộc khi gặp phải thử thách. Trong khi đó, những sinh viên cầu tiến luôn nghĩ họ có thể cải thiện năng lực của mình. Chính điều này đã giúp họ hoàn thiện bản thân, đạt được mục tiêu trong học hành cũng như việc làm cho dù có gặp phải thất bại.
Vậy còn những tài năng thiên bẩm thì sao. Chúng ta vẫn luôn ngưỡng mộ những 'thần đồng' có thể vào đại học từ 12 tuổi, hoặc chơi thành thạo các nhạc cụ khi đang học lớp 1.
Theo Ellen Winner, tác giả cuốn sách nổi tiếng 'Gifted Children' (Những đứa trẻ thiên tài), thì đúng là những đứa trẻ được sinh ra với tài năng thiên bẩm có nhiều thuận lợi hơn người bình thường.
Tuy nhiên, những thần đồng cũng phải cố gắng và duy trì thái độ của mình, vì cuộc sống cũng như sự học của họ không bằng phẳng.
Rất nhiều thần đồng đã luôn cảm thấy chán nản vì cô độc, dẫn đến việc tự hạ thấp bản thân để trở thành người bình thường. Dần dần, từ một người có IQ cao, họ cũng không khác gì người khác, thậm chí còn thua sút về khả năng giải quyết vấn đề.
Carol nhấn mạnh: 'Thành công trong cuộc sống là khi bạn biết đương đầu với thất bại'.
Phải làm gì để có thái độ tốt hơn
Cho dù bạn là có xu hướng tư duy thế nào đi nữa thì bạn cũng có thể thay đổi và hướng đến một thái độ cầu tiến. Dưới đây là một số quy tắc giúp củng cố thái độ tích cực của bạn hoặc giúp nó trở nên tích cực nhất có thể.
Trước tiên, đừng bao giờ cảm thấy tuyệt vọng vì thất bại. Chúng ta ai cũng có lúc cảm thấy tuyệt vọng nhưng chúng ta có thể rút ra bài học từ thất bại hoặc để nó dập tắt ý chí. Những người có thái độ tích cực không bao giờ cho phép bản thân cảm thấy tuyệt vọng bởi để thành công, họ sẵn sàng đón nhận một cú ngã đau để đứng lên mạnh mẽ hơn trước.
Tiếp theo, hãy duy trì sự đam mê. Theo nhiều nghiên cứu, con người ta thường sẽ làm tốt những gì mình thích. Nếu chưa đam mê của mình là gì, bạn hãy thử tìm ra chúng bằng phương pháp 5/25 của Warren Buffet: viết ra 25 điều bạn quan tâm nhất sau đó gạch bỏ đi 20 điều. Số còn lại chính là thứ bạn thực sự đam mê.
Thứ ba, hãy đứng lên và làm đi. Những người có thái độ tích cực đều biết rằng không có gì gọi là 'giờ hoàng đạo' để tiến bước. Vậy tại sao phải chần chừ?
Hãy bắt tay vào hành động biến lo âu phiền muộn về thất bại thành nguồn năng lượng tích cực và tập trung. Ngoài ra, không bao giờ được phàn nàn nếu mọi chuyện không như ý.
Thứ tư, đừng bao giờ đặt ra giới hạn cho bản thân. Những gì Lý Tiểu Long - huyền thoại võ thuật người Trung Quốc - đã từng dạy học trò của mình là một ví dụ: 'Không có gì là giới hạn. Nếu trên đường con thấy một lâu đài, đừng dừng ở đó mà hãy bước xa hơn'.
Ngoài ra, trước khi làm điều gì, hãy cố gắng trông đợi kết quả tốt. Bạn cần có một mục tiêu để hướng đến, nếu không thì việc 'nhúng tay vào' sẽ chẳng để làm gì cả.
Và cuối cùng, phải luôn linh hoạt. Theo Carol, đừng bao giờ giữ thái độ cứng nhắc về vấn đề gì đó. Những người có thái độ tích cực cần luôn linh hoạt, thay đổi suy nghĩ và lối tư duy cho đến khi giải quyết được vấn đề.
* Bài viết dựa trên quan điểm của tiến sĩ tâm lý học Carol S. Dweck trên trang Business Insider
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!