Câu chuyện được tái hiện qua việc chứng thực và cảm nhận sâu sắc của nhân vật 'tôi'.
- Mở mắt chào đời, em đã là một bé gái bất hạnh với đôi chân dị tật chân bẩm sinh: một chân dài, một chân ngắn, một chân to, một chân nhỏ. Những định kiến của làng quê ăn sâu vào ý thức, em trở thành cái gai trong mắt nhà nội, chỉ cần một lỗi nhỏ thôi là em cũng lãnh đòn roi của ba.
Nhưng với một đứa trẻ, bị người lớn hắt hủi không buồn bằng sự ghẻ lạnh của bạn bè. Tôi còn nhớ ngày bé xíu, nhớ dáng em đứng trong hàng rào, mắt đăm đăm vào bọn trẻ đang chơi đùa phía trước nhà với một ánh mắt khao khát đến cháy bỏng.
Được đi học với đứa trẻ cô đơn như em là niềm vui, thế nhưng ngày đi học đầu tiên của em lại là kỷ niệm đau đớn. Chiều hôm ấy, lớp học vừa tan, đám trò nhỏ ùa ra như bầy ong vỡ tổ. Song, thay vì chạy mau về nhà, chúng lại tụm năm tụm ba từng nhóm để xầm xì to nhỏ với nhau. Lý do đơn giản: chúng đang chú ý đến em. Con bé 6 tuổi, xanh xao nhút nhát đứng giữa vòng tròn tò mò của bọn trẻ. Điệu bộ của em vụng về ngượng nghịu đến phát tội. Đám trẻ vẫn xầm xì chỉ chỏ không ngừng. Chúng ranh mãnh theo dõi từng bước chân khập khiễng của em. Chúng đón trước đón sau, bao vây dồn em vào giữa với vẻ thích thú. Em chỉ biết đứng chịu trận, vừa ngạc nhiên, vừa hoang mang sợ hãi. Vang vang bên tai em là lời chú nhóc to lớn với khuôn mặt béo tròn: 'Bọn mày biết con nhóc đó không? Nó bị què đó'.
Đột nhiên cả đám con nít im lặng như tờ. Đám trẻ lặng người trước sự kiện khác thường này. Chúng nhìn em như một sinh vật lạ ngoài hành tinh. Em đứng chết trân. Em bối rối. Nước mắt chực trào ra, em khổ sở nhưng không biết phải làm sao. Em muốn mở miệng, nhưng lại không biết nói gì với đám trẻ. Rõ ràng chẳng thể chối cãi được điều khủng khiếp ấy. Em thật sự bị què, em làm thinh. Đám trẻ bỗng phá lên cười ngặt nghẽo và tỏ ra vô cùng thú vị vì khám phá mới. Lũ trẻ reo hò sau đó chen nhau chọc ghẹo em. Thằng bé mập với khuôn mặt no đủ bất ngờ le lưỡi trợn mắt: 'Con què!'.
Tim em đau nhói. Em nghẹn ngào, nhưng cắn răng không khóc. Thế nhưng nỗi đau xót, tủi hổ, niềm kiêu hãnh oà thành tiếng nấc không ngừng khi cô giáo chủ nhiệm xuất hiện và giải tán bọn trẻ, cứu em thoát khỏi vòng tròn châm chọc độc ác. Lũ trẻ bỏ chạy, vừa chạy vừa reo hò, nhẩy múa hát điệp khúc 'Con què! Con què!'.
Những ngày sau đó ở trường, ở lớp em hoàn toàn cô độc. Tất cả các bạn đều xa lánh. Thậm chí khi em chủ động làm quen, bọn chúng làm lơ và ném về phía em những cái nhìn chế giễu, miệt thị. Vài đứa còn tụ tập lại để bắt nạt em. Tâm lý sợ hãi và bị bỏ rơi khiến em trở thành học sinh học yếu của lớp, mặc dù em là đứa thông minh, sáng dạ.
Một hôm, cô giáo chủ nhiệm bảo cuối giờ em ở lại gặp cô. Bình thường cô giáo rất nghiêm khắc nên em cảm thấy sợ hãi không biết có chuyện gì. Cuối buổi học, em run sợ rụt rè đến bên cô. Em rất bất ngờ khi cô giáo ôm em vào lòng thủ thỉ: 'Cô biết em là đứa thông minh, sáng dạ, chỉ cần em cố gắng một chút thôi thì có thể em sẽ trở thành học sinh giỏi. Lúc đó các bạn sẽ nhìn em bằng một con mắt khác, sẽ khâm phục em vô cùng. Cố gắng lên em nhé, cô sẽ luôn bên cạnh em và ủng hộ em…'. Em bật khóc trong vòng tay cô giáo.
Lời động viên của cô giáo có một sức mạnh kỳ diệu đã giúp em vượt qua tất cả mọi khó khăn. Nhờ sự nghiêm khắc của cô giáo mà lớp học trở nên trật tự hơn, và những rắc rối của em cũng giảm đi nhiều. Em trở nên tự tin hơn, các bạn cũng nhìn em với ánh mắt khác và thường xuyên trò chuyện, hỏi bài em. Cuối năm học đó, em là học sinh xuất sắc nhất lớp, được đứng trên sân khấu nhận phần thưởng của nhà trường trong lễ bế giảng năm học.
Năm học sau, cô giáo ấy không còn là cô giáo chủ nhiệm của lớp em nữa, nhưng lúc nào em cũng thấy có cô ở bên. Và em luôn là người đứng đầu lớp. Rồi em vào đại học, bảo vệ luận án tiến sĩ, được một trường đại học danh tiếng mời làm giảng viên. Suốt những chặng dài phấn đấu của đứa trẻ khuyết tật đó, lúc nào trong đầu em cũng có hình ảnh của cô giáo đang cổ vũ cho mình. Cô chính là người đã thay đổi cuộc đời em…
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!