Kê đơn cho người bị viêm họng hạt

Bài thuốc dân gian - 11/24/2024

Viêm họng mạn tính là viêm mạn tính niêm mạc họng, thường phối hợp với các bệnh viêm mũi, xoang mạn tính,...

Câu hỏi 1: Thưa Bác sĩ! Tôi là nam giới, năm nay tôi 16 tuổi. Tôi bị viêm họng hạt nên mỗi khi ho tôi đều thấy đờm. Mong Bác sĩ tư vấn cho tôi!

Kê đơn cho người bị viêm họng hạt

Ảnh minh họa

BS. Từ Tấn Tài, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, trả lời:

Chào bạn,

Viêm họng hạt là từ dùng để nói về viêm họng thường xuyên, tái phát nhiều lần gọi là viêm họng mãn tính. Viêm họng mạn tính rất nhiều người mắc. Do có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh này nếu không tìm hiểu kỹ dể chữa thì viêm họng rất dễ tái phát. Hễ cứ họng khó chịu 1 tý, đau đau một tý, nuốt vướng 1 tý, đàm cổ 1 tý, ngứa cổ 1 tý, ho 1 ít, kéo dài 1 tuần ra hiệu thuốc gần nhà mua vài chục ngàn uống, không hết, khi đi khám sẽ được BS gọi là viêm họng mãn tính.

Bệnh này nhiều khi không cần BS Tai mũi họng khám hay cho thuốc, tự nhiên sẽ hết nhưng cũng có khi bệnh kéo dài từ năm này qua năm khác, chữa kiểu gì cũng không hết như trường hợp của bạn. Chữa viêm họng kiểu như của bạn cần tổng hợp nhiều phương pháp, không chỉ dùng thuốc. Bây giờ phải làm gì đây?

1. Thay đổi thói quen sống và luyện tập cơ thể

- Trước hết, bạn nên thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày như không: ăn nóng, uống lạnh, cay, chua, dầu mỡ, rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.

-  Luyện tập cơ thể tăng cường khả năng chống đỡ bệnh tật. Tập thể dục thể thao đều đặng mỗi ngày 'mồ hôi phải ra ướt một cái áo thể thao'. Chú ý tập nơi không khí trong lành như công viên, tránh nơi bụi bặm, nóng bức, ô nhiễm.

-  Không nằm ngủ, lao động, học tập quá lâu > 2h trong phòng máy lạnh. Phòng máy lạnh chỉ để nhiệt độ > 27 oC và phải có quạt hút thay đổi không khí trong phòng định kỳ và phải có máy phun hơi nước tạo độ ẩm trong phòng chống khô họng, khô mũi cho người sử dụng.

-  Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chế độ ăn cân đối, tăng cường ăn rau xanh hoa quả trái cây, học hành làm việc nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc 7 giờ/đêm.

- Không được ăn xong nằm ngay tránh trào ngược thức ăn hay trào dịch acid dạ dày lên họng gây khô họng, nóng cổ, viêm họng. Chỉ nằm sau ăn 2 giờ. Không ăn uống trước khi đi ngủ 2 tiếng, nên 'đi ngủ với 1 cái bụng trống rỗng'.

- Tránh thức khuya và không nên quá lo lắng về bệnh gây phản ứng tâm lý không tốt kiểu như 'hay là mình bị ung thư mà BS chưa tìm ra???'… làm cho bệnh ngày một nặng hơn. Nếu bị stress kéo dài do áp lực công việc, học hành nên nói chuyện với BS tâm lý để tìm cách vượt qua các rối loạn tâm lý. Chữa trị trầm cảm nếu có.

2. Thuốc

-  Bỏ tất cả các thuốc súc họng, súc miệng nếu có kể cả nước muối. Dùng kéo dài các thuốc này gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường vi sinh vật cộng sinh trong họng miệng. Chỉ đánh răng hàng ngày sau ăn.

-  Nếu bệnh dạ dày, đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua phải nội soi dạ dày, uống thuốc theo chỉ định của Bác sĩ tiêu hóa cho hết bệnh dạ dày.

-  Nội soi mũi, vòm mũi họng ở BS tai mũi họng kiểm tra xem có bị bệnh viêm mũi, viêm xoang mãn tính hay chảy đàm dịch vào cổ hay không. Nếu có phải chữa dứt điểm các bệnh này.

-  Uống các thuốc sau đây 1 tuần:

1. Dogmatil 50mg, ngày 2 viên chia 2 lần sáng tối.

2. Decontractyl 250 mg, ngày 6 viên chia 3 lần, mỗi lần 2 viên.

3. Dorithricin ngậm 3 ngày, ngày 3 viên chia 3 lần.

Câu hỏi 2: Thưa Bác sĩ! Cháu là nam giới, năm nay 17 tuổi. Cháu đi khám Bác sĩ bảo cháu bị viêm họng hạt mãn nhưng cháu nuốt không đau, không ho, cháu chỉ bị viêm hạch bạch huyết thôi ạ, cháu bị 6 tháng rồi ạ. Mong Bác sĩ giúp làm thế nào để khỏi được ạ?

Kê đơn cho người bị viêm họng hạt

Ảnh minh họa

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, trả lời:

Chào cháu!

Viêm họng mạn tính là viêm mạn tính niêm mạc họng, thường phối hợp với các bệnh viêm mũi, xoang mạn tính, viêm thanh, khí phế quản mạn tính.

Viêm họng mạn tính thể hiện dưới 3 hình thức:xuất tiết, quá phát và teo. Bệnh nhân luôn cảm thấy khô họng, nóng rát trong họng hoặc có cảm giác ngứa họng, vướng họng nhất là khi ngủ dậy, phải cố khạc đờm, đằng hắng để làm long đờm, đờm dẻo và đặc thường tăng lên khi nuốt. Bệnh nhân thường phải khạc nhổ luôn, có ít nhầy quánh, ho nhiều vào ban đêm, khi lạnh, nuốt hơi nghẹn, tiếng nói bị khàn trong giây lát rồi trở lại bình thường. Khi uống rượu, hút thuốc lá nhiều, nói nhiều, triệu chứng trên càng trở nên rõ rệt.

Một số nguyên nhân gây bệnh:

- Nhiễm khuẩn tái phát đi phát lại của vùng mũi họng như viêm mũi mạn tính, viêm xoang. Dịch nhầy xuất tiết luôn chảy xuống họng và là nguyên nhân thường xuyên gây nhiễm khuẩn họng dẫn đến làm quá phát tổ chức lypho ở thành họng.

- Viêm amiđan mạn tính và nhiễm trùng răng lợi.

- Sử dụng thuốc lá nhiều, uống rượu bia nhiều, ăn nhiều thức ăn cay nóng hoặc sống trong môi trường phải tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá, môi trường bẩn hoặc các chất kích thích của khói công nghiệp.

Viêm họng mạn tính cũng thường đưa đến viêm thanh quản mạn tính, viêm thanh-khí phế quản mạn tính... hoặc các đợt viêm cấp như viêm amiđan cấp tính, áp xe amiđan... gây nên suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh do phải luôn khạc nhổ, nhất là ban đêm.

Trường hợp của cháu là một tình trạng viêm họng mạn tính có kèm theo viêm hang vị, lúc nào cũng cảm thấy như bị nghẹt ở cổ họng. Đây có thể là dấu hiệu của viêm họng do trào ngược. Để điều trị viêm họng, cháu cần phải điều trị hội chứng trào ngược cho ổn định. Bên cạnh việc uống thuốc theo chỉ định của Bác sĩ, cháu cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị sau:

- Giảm tiếp xúc với các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, gia vị cay nóng (nếu có).

- Đeo khẩu trang bảo hộ khi tiếp xúc với bụi và hóa chất. Tránh tiếp xúc với các nguyên nhân gây dị ứng.

- Giữ ấm cổ và ngực khi thời tiết chuyển sang lạnh.

- Nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nước ấm, có bổ sung vitamin C, A, D.

- Nhỏ mũi định kỳ hàng ngày, rửa mũi 2-3 lần/ngày.

- Súc miệng bằng nước muối hàng ngày, có thể ngậm chanh với muối, gừng với muối, quất với đường phèn hoặc mật ong …

Chúc cháu khỏe mạnh!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!