Khẳng định trọng lượng lời nói với con đúng cách

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Một trong những lưu ý là tuyệt đối không cười đùa trong khi giao tiếp hoặc yêu cầu trẻ thực hiện vấn đề.

Nhiều bậc phụ huynh thường phàn nàn về chuyện lời nói của mình với con như ‘nước đổ đầu vịt’, ‘miệng liền tai’. Chị Bích ở Thanh Xuân tâm sự: ‘Con trai mình 5 tuổi nhưng bướng kinh khủng, khi muốn con làm việc gì phải nhắc đi nhắc lại thậm chí còn dùng roi vọt mà nhiều khi chẳng ăn thua’. Cùng cảnh ngộ, chị Nga ở Minh khai cũng ngán ngẩm: ‘Con mình 7 tuổi nhưng nói thật nhiều lúc thấy bất lực, bố mẹ nói nó cứ lì ra chẳng chịu làm, nhiều lúc ức chế quá mình làm tự làm cho đỡ bực mình’.

Khẳng định trọng lượng lời nói với con đúng cách

Rất nhiều cha mẹ rơi vào tình trạng giống như chị Nga và chị Bích. Nhưng đâu là nguyên nhân của vấn đề cha mẹ lại bỏ qua và lý luận ‘cha mẹ sinh con trời sinh tính’. Nhưng theo ý kiến của các chuyên gia tâm lý, thì trẻ ‘chây lỳ’, ‘bỏ qua’, xem thường lời nói của cha mẹ phần lớn bắt đầu từ việc tương tác chưa thực sự tốt trong giao tiếp hàng ngày giữa bố mẹ và con cái.

Sau đây là một số lỗi mà cha mẹ thường hay mắc phải:

1. Diễn đạt dài dòng khi yêu cầu trẻ thực hiện một việc gì đó

Khi muốn trẻ dọn đồ chơi của mình, không ít các bậc phụ huynh sẽ nói: ‘Mẹ phải mất rất nhiều thời gian lựa chọn mới mua được món đồ chơi ưng ý cho con. Vậy mà chơi xong con không cất đi. Lần sau mà còn bừa bộn thế này mẹ sẽ cho bạn A hoặc sẽ cất vào kho’. Hoặc cha mẹ sẽ nói: ‘Con cất ngọn đồ chơi đi, nếu không mẹ sẽ đem trả lại cửa hàng, bố mẹ đã mua đồ chơi cho con, con phải biết giữ gìn, nếu không lần sau đừng đòi mua nữa đấy’, hay ‘con dọn đồ chơi đi, nếu không lần sau bố mẹ sẽ không mua cho con đồ chơi mới nữa đâu. Không biết ngọn ngàng gì cả’…

Dễ thấy đây là cách bạn nói chuyển tới trẻ bao nhiêu mệnh lệnh, nhắc nhở, thúc giục và thậm chí cả đe dọa. Lúc này đương nhiên trẻ sẽ bị phân tán bởi nhiều thông tin khác, chứ không tập trung vào thông tin chính. Thậm chí trẻ sẽ không hiểu thông tin chính bạn muốn đưa đến là gì: việc cất đồ chơi đi hay việc bừa bộn khiến mẹ bực mình.

2. Nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi muốn trẻ thực hiện

Một ví dụ đơn giản: gọi con xuống ăn cơm, bạn gọi 1 lần, sau vài phút không thấy con xuống chắc chắn bạn sẽ gọi lần 2, lần 3, thậm chí là phải phát cáu con bạn mới thực hiện. Đấy là việc đơn giản, còn rất nhiều việc khác bạn sẽ thực hiện tương tự.

Khẳng định trọng lượng lời nói với con đúng cách

Rõ ràng, chưa bao giờ bạn nói mà trẻ thực hiện luôn. Mà ít nhất phải sau vài lần nhắc nhở, con mới thực hiện. Nhưng việc bố mẹ thực hiện nhiều lần như vậy, trẻ sẽ thấy bố mẹ gọi lần 1 không vấn đề gì, lần 2, lần 3 và bố mẹ cứ gọi thế thôi, không việc gì phải làm ngay cả. Việc nhắc đi nhắc lại một yêu cầu với con, có thể bố mẹ nghĩ đơn giản chỉ là việc thúc giục con làm nhanh hoặc do trẻ mải chơi mà không thực hiện. Nhưng thực tế, đó là biểu hiện một phần lời nói của bố mẹ đang dần ít đi trọng lượng đối với trẻ.

3. Luôn nhắc về những sai lầm trước để cho con làm bài học

Sai lầm này rất nhiều các ông bố bà mẹ mắc phải, bởi suy nghĩ đơn giản phải nhắc để con nhớ lần sau mới không phạm lỗi. Thậm chí, nhiều bố mẹ còn nhắc lại lỗi lầm của con như là một ‘niềm vui’ nho nhỏ trong câu chuyện gia đình, mà quên đi những cảm xúc của con cái. Việc cha mẹ nhắc đi nhắc lại lỗi con đã mắc khiến trẻ có những cảm xúc tiêu cực và thấy mình đang bị lấy ra làm trò đùa cho mọi người. Lúc này trẻ sẽ phản ứng bằng cách ‘biết rồi, khổ lắm, nói mãi’. Đương nhiên lâu dần trẻ sẽ thấy bố mẹ ‘thật bình thường’ chẳng có chút uy lực nào và lời nói của bố mẹ đôi khi cũng chỉ là những lời nói cho có lệ mà thôi.

Vậy nên muốn con độc lập trong cuộc sống, cũng như muốn con tôn trọng lời nói của mình, bố mẹ cần phải biết sử dụng đúng ngôn từ và đặc biệt nên ‘kiệm lời’, nói khi thực sự cần thiết và đảm bảo có trọng lượng nhất định với trẻ.

‘Kiệm lời’ ở đây không có nghĩa là nói ít đến mức không đủ để trẻ hiểu bạn nói gì hoặc cứ làm mà không nói gì. Mà là việc bạn đưa cho con những thông tin ngắn ngọn, trọng tâm nhất, đủ để con hiểu mình cần phải làm gì, tránh tình trạng 'nói dai nói dài'.

Khẳng định trọng lượng lời nói với con đúng cách

Ví dụ với việc yêu cầu con cất đồ chơi, không cần phải nói đồ chơi từ đâu ra và mất bao nhiêu thời gian để chọn. Đơn giản chỉ cần nói: ‘Đã hết giờ chơi, con cần phải dọn đồ của mình vào’. Hoặc nếu bạn gọi 1 lần con không xuống ăn cơm, hãy ăn trước mà không đợi. Hãy để trẻ tự chịu trách nhiệm với hành động của mình. Nếu ăn sau trẻ sẽ phải làm những việc tiếp theo dọn dẹp và rửa bát. Bạn càng kiên quyết với lời nói của mình thì trẻ càng thấy được trọng lượng lời nói của bố mẹ.

Khi cần thiết, có thể giải thích cho con việc mình làm nhưng cũng nên ngắn gọn. Tuyệt đối không nên đi diễn giải dài dòng, phân tích lan man quá nhiều việc không cần thiết, cho dù đó chỉ là những câu chuyện vui.

4. Bố mẹ là tấm gương để trẻ học và bắt chước

Hãy gắn lời nói với việc làm, bố mẹ nên là tấm gương cho trẻ. Bản thân bố mẹ phải là người thực hiện đầu tiên. Khi bố mẹ nói điều gì nên cố gắng thực hiện luôn. Bố mẹ nên thực hiện những yêu cầu chính đáng của trẻ một cách tôn trọng, đây cũng là một cách để trẻ học cách tôn trọng lời nói của bố mẹ. Tránh cho trẻ suy nghĩ bố mẹ chỉ giỏi sai khiến, bắt ép con trong khi bản thân ‘chỉ nói được mà không làm được’.

5. Tận dụng những cử chỉ phi ngôn ngữ

Kết hợp lời nói với các cử chỉ phi ngôn ngữ: điệu bộ, cử chỉ, ánh mắt, ám hiệu… Khi muốn nhắc trẻ đi ngủ đúng giờ hãy nói: ‘Đã đến giờ đi ngủ, mẹ sẽ tắt ti-vi sau 5 phút nữa’, sau đúng 5 phút, bạn nên tắt ti-vi. Khi trẻ tỏ ra xem thường mệnh lệnh, đừng vội hét toáng lên mà hãy nhẹ nhàng nghiêm nghị nói ngắn gọn và yêu cầu thực hiện một cách nghiêm túc. Tuyệt đối không cười đùa trong khi giao tiếp hoặc yêu cầu trẻ thực hiện vấn đề.



Khẳng định trọng lượng lời nói với con đúng cách

Ảnh minh họa: Internet

Chuyên viên tư vấn Thanh Vân

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!