Kháng sinh: chỉ sử dụng khi được bác sĩ kê đơn

Cần biết - 11/24/2024

“Kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển”- đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tại lễ mít tinh với chủ đề “Kháng sinh: sử dụng có trách nhiệm” được Bộ Y tế tổ chức trong ngày 13/11 tại Trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Dược Hà Nội với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các nhà chuyên môn y tế, lãnh đạo, giảng viên và học sinh, sinh viên các trường, các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm hưởng

Buổi mít tinh với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các nhà chuyên môn y tế, lãnh đạo, giảng viên và học sinh, sinh viên các trường, các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh từ 12-18/11/2018”.

Kháng kháng sinh đang đưa thành tựu của y học hiện đại vào nguy cơ

Trong năm 2016, có 490.000 người đã phát triển bệnh lao đa kháng thuốc trên toàn cầu và kháng thuốc đang bắt đầu làm phức tạp cuộc chiến chống lại HIV và sốt rét. Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ đô-la Mỹ và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong thêm trong mỗi năm. Thậm chí, hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với hậu quả khủng hoảng tài chính.

Kháng sinh: chỉ sử dụng khi được bác sĩ kê đơn

Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, kháng kháng sinh trên toàn cầu do nhiều yếu tố khác nhau như kê đơn và cấp phát kháng sinh quá mức; bệnh nhân sử dụng kháng sinh không theo kê đơn hoặc sử dụng kháng sinh không đủ liệu trình; sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc sử dụng không đúng cách trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt ở trong các cơ sở y tế và nông trại; thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải chưa thích hợp; thiếu các kháng sinh mới được sáng chế.

“Kháng kháng sinh đang đưa thành tựu của y học hiện đại vào nguy cơ. Việc ghép mô, bộ phận cơ thể người, hóa trị và phẫu thuật, trở nên nguy hiểm hơn nhiều nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng” - Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại kháng thuốc, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng và nhân viên y tế về kháng thuốc. Thông qua đó đã thiết lập được một mạng lưới giám sát tại 16 bệnh viện để theo dõi vi khuẩn kháng thuốc; theo dõi tiêu thụ kháng sinh; thực hiện Chương trình quản lý kháng sinh trong bệnh viện; tăng cường quy định về thuốc kháng sinh trên thị trường; thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn...

Mỗi người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn

Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển. Kháng kháng sinh đang gia tăng mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu nhiều tiến bộ trong sức khỏe và thuốc điều trị, đòi hỏi phải có nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi cảnh quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh. Kháng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi. Kháng kháng sinh xảy ra tự nhiên, nhưng việc sử dụng kháng sinh không đúng ở người và động vật đang đẩy nhanh quá trình kháng kháng sinh.

Nhân dịp này Bộ Y tế kêu gọi các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và toàn thể mọi người dân hãy hành động cùng nhau, thực hiện khẩu hiệu: “Kháng sinh: sử dụng có trách nhiệm”. “Các đối tác cùng nhau thắp lên ánh sáng hy vọng vào tương lai tươi sáng của công cuộc phòng chống kháng thuốc và bảo vệ nguồn kháng sinh quý giá tại Việt Nam và trên toàn thế giới” - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng kháng sinh. Luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh. Không bao giờ chia sẻ cho người khác hoặc dùng các kháng sinh còn dư thừa.

Đối với các nhân viên và cơ sở y tế, cần đảm bảo bàn tay, dụng cụ và môi trường cơ sở y tế sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng. Chỉ kê đơn và cấp phát kháng sinh khi cần thiết, theo hướng dẫn chuyên môn hiện hành. Báo cáo về các vi khuẩn kháng kháng sinh cho các cơ sở tham gia giám sát kháng thuốc. Tư vấn cho bệnh nhân về sử dụng kháng sinh đúng cách, kháng kháng sinh và nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng...

Đối với học sinh, sinh viên Trường ĐH Y, Dược cần trang bị kiến thức và hiểu biết đầy đủ về kháng kháng sinh, hướng dẫn chuyên môn về chẩn đoán, điều trị, thực hành khám bệnh, chữa bệnh để tuyên truyền cho gia đình, cộng đồng, xã hội về kháng kháng sinh và sau này trở thành người thực hiện kê đơn kháng sinh đúng, an toàn cho người bệnh và toàn xã hội.

Đối với các nhà thuốc, chỉ bán thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ; cung cấp kháng sinh có chất lượng; tư vấn cho bệnh nhân, người dân về sử dụng kháng sinh đúng cách, nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng.

Đối với các cơ sở, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chỉ sử dụng thuốc kháng sinh cho động vật dưới sự giám sát của bác sĩ thú y. Không sử dụng thuốc kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng hoặc phòng ngừa bệnh ở những động vật khỏe mạnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!