Thời gian qua, có nhiều tin đồn tại một số bệnh viện (BV) ở TP HCM đã cạn nguồn khẩu trang y tế (KTYT) phục vụ công tác khám chữa bệnh. Lãnh đạo nhiều BV đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Không có chuyện thiếu khẩu trang
BV quận 2 bị mạng xã hội (MXH) đưa tin đang thiếu KTYT cho nhân viên. Kịch tính hơn, một tài khoản cá nhân MXH còn gắn lời của ban giám đốc BV quận 2 kêu gọi hỗ trợ KTYT cho BV.
Ngày 19-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ (BS) Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, khẳng định chưa bao giờ BV lên MXH kêu gọi quyên góp, ủng hộ KTYT. 'Hiện BV quận 2 đã dự trù đủ số lượng KTYT cho nhân viên. Các công ty đã hợp đồng cung cấp KTYT vẫn giao hàng bình thường, trung bình mỗi ngày BV quận 2 sử dụng khoảng 1.700 KTYT' - BS Khanh cho biết.
Nhân viên y tế làm công tác khám chữa bệnh mới là người cần thiết phải sử dụng khẩu trang y tế Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại BV Chợ Rẫy, dược sĩ Nguyễn Quốc Bình, Trưởng Khoa Dược - BV Chợ Rẫy, khẳng định không có chuyện thiếu KTYT cho nhân viên y tế của BV. Công ty cung ứng KTYT cho BV hiện vẫn bảo đảm nguồn cung đúng tiến độ.
BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết ngành y tế TP đã triển khai kế hoạch khẩn về bảo đảm KTYT để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thanh tra Sở Y tế phối hợp các phòng, ban có liên quan hiện đang tiến hành thanh - kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh KTYT trên địa bàn nhằm ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh KTYT phải tập trung cho việc sản xuất, cung ứng KTYT bảo đảm nhu cầu phòng chống dịch bệnh. Ưu tiên cung cấp cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rồi mới đến các cơ sở kinh doanh khác.
Sở Y tế TP HCM cũng đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP kiểm soát việc cấp phát KTYT đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. Giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm làm việc với các đơn vị cung ứng KTYT theo đúng kết quả trúng thầu, cam kết cung ứng đầy đủ theo số lượng trúng thầu.
Đi đường: Khẩu trang vải là đủ
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những đối tượng, trường hợp sau có thể dùng khẩu trang vải: người không mắc bệnh; không phải tiếp xúc, chăm sóc trực tiếp người bệnh; người tham gia các đám đông bình thường ngoài đường phố… Nhân viên y tế cũng đã làm gương, dùng KTYT hợp lý hơn, thay thế bằng khẩu trang vải ở những nơi ít nguy cơ… nhằm dự phòng trong tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp khắp thế giới.
BV Từ Dũ đã tự may một lượng lớn khẩu trang vải đúng chuẩn, được vệ sinh đúng cách để nhân viên BV sử dụng trong trường hợp không cần thiết dùng KTYT.
BS chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc, Trưởng Ban Phòng chống dịch bệnh BV Từ Dũ, khẳng định: 'Hiện nay, chúng tôi vẫn đủ KTYT để dùng trong công tác khám chữa bệnh. Khẩu trang vải là để dùng cho những trường hợp không bắt buộc phải dùng đến KTYT, như những nhân viên làm công việc hành chính, các công việc không phải tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh. Tôi và các đồng nghiệp khi đi đường cũng dùng khẩu trang vải. Để tránh nắng, bụi ngoài đường, khẩu trang vải là đủ!'.
BS Mỹ Nhi nhấn mạnh không phải lúc nào cũng phải sử dụng KTYT 3 lớp. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tăng vọt khắp thế giới, KTYT càng nên được ưu tiên cho người cần. Đó là người đang có bệnh; thân nhân đang trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc người bệnh; nhân viên y tế làm công tác khám chữa bệnh, phẫu thuật…
Nhân viên y tế của BV Nhi Đồng 1 cũng được vận động dùng khẩu trang vải khi đi đường, KTYT chỉ dành cho công tác khám chữa bệnh. 'Hiện nay, chúng tôi vẫn đủ KTYT để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, BV khuyến cáo nên dùng hợp lý KTYT. Nghĩa là ở những đơn vị như khoa nhiễm, khối cấp cứu - hồi sức, khu phòng khám mới cần dùng KTYT. Những vị trí khác không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân thì chỉ cần dùng khẩu trang vải' - PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, cần hiểu đúng, dùng hợp lý nghĩa là không lãng phí chứ không phải tiết kiệm không đúng chỗ. Dùng hợp lý để bảo đảm những chỗ cần luôn có đủ. 'Ví dụ khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm, vào cuộc phẫu thuật… phải luôn mang khẩu trang đúng loại, đúng cách. Nhân viên y tế có trách nhiệm bảo vệ bản thân, đừng để nhiễm bệnh. Trong các dịch bệnh, nhân viên y tế mắc bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng BV, điều này có thể làm tăng cao nguy cơ tạo ra các vi khuẩn đa kháng, cực kỳ nguy hiểm' - BS Trương Hữu Khanh nói thêm.
Chú trọng các biện pháp phòng dịch đồng bộ
Các BS khuyến cáo ngoài chiếc khẩu trang, nhiều biện pháp khác cũng vô cùng quan trọng trong mùa dịch. Đó là có sự sàng lọc, cách ly hợp lý đối tượng nguy cơ; tăng cường rửa tay, giữ BV thông thoáng, sạch sẽ. Ví dụ ở BV Từ Dũ, người đến khám mà có yếu tố nguy cơ sẽ không khám chung với các thai phụ và bệnh nhân khác. Họ sẽ đi theo con đường riêng, có phòng khám sàng lọc riêng. Nếu họ thực sự có nguy cơ thì sẽ được cách ly và điều trị ở một khu vực riêng mà BV mới chuẩn bị cho mùa dịch này.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!