Cà phê cuối tuần cùng hội bạn cấp 2, vừa xuất hiện là Ngọc Huyền đã đón nhận các câu hỏi tới tấp của bạn bè 'định giữ dáng đi thi người mẫu à', 'xương nhọn hẳn ra hen', 'ăn chơi dữ lắm hay sao mà nhìn thảm hại vậy'...
Ra trường đi làm được 2 năm, trong khi mọi người càng ngày càng béo ra thì Huyền cứ sụt cân đều đều. Cô nhân viên 25 tuổi của một ty bảo hiểm tại Gò Vấp, TP HCM, cao 1m54 nhưng chỉ nặng 38 kg. Trong vòng 2 năm, Huyền sụt liên tục 5 kg.
'Gặp ai mọi người cũng thắc mắc làm mình đã lo càng lo hơn. Bạn trai đổi tên mình trong danh bạn của mình thành Cò hương, thỉnh thoảng còn gọi ngắn gọn là Ròm, Beo...', Huyền tâm sự.
Lo sợ có bệnh, Huyền khám tổng quát, kết quả cho thấy sức khỏe hoàn toàn bình thường. 'Mình không thích ăn cơm ngoài hàng quán, giờ đi làm phải ăn uống linh tinh cả ngày, tối về mệt bơ phờ nên cơm dọn ra cũng hết nuốt nổi. Chẳng biết phải ăn uống làm sao để cải thiện nữa', Huyền phân trần.
Đợt về quê Tây Ninh chơi vừa rồi, mẹ Huyền xót con gái nên rưng rưng bảo cô ở lại thị xã làm việc, không muốn cho con xa nhà 'sống khổ sống sở' nữa. Huyền phải thuyết phục là mình gầy nhưng khỏe mạnh, làm việc tốt, đồng thời hứa sẽ 'quyết tâm khôi phục phong độ' mẹ mới cho trở lại thành phố.
Việc tăng cân cũng là niềm mong ước của không ít người. Ảnh minh họa: taospirulina
Gửi thư chia sẻ với Vnexpress.net, bạn Đức Vũ cho biết năm nay Vũ 18 tuổi, cao 1m63 nhưng chỉ nặng 47 kg. 'Mọi người thường chê em là con bọ que, em thật sự xấu hổ khi gặp mọi người. Em không biết mình nên ăn uống, tập luyện thể dục thể thao như thế nào cho có hiệu quả', Vũ lo lắng.
Cao 1m62 nhưng chỉ nặng 43 kg, Hà Thư, sống tại quận 2, TP HCM, từ nhỏ đã quen thuộc với những biệt danh như Cây tre trăm đốt, Cây củi... Thư ăn không nhiều nhưng khá điều độ, đúng giờ, đúng bữa, thỉnh thoảng cũng đánh cầu lông, đá cầu để tập thể dục nhưng cứ gầy nhom, cân nặng mãi chẳng cải thiện. Nghe lời mách của bạn bè, Thư mua thuốc bổ, thực phẩm chức năng uống nhưng cũng chẳng thấy nhúc nhích được bao nhiêu. Việc mua sắm quần áo của Thư cũng khó khăn vì 'mặc cái gì thấy cũng người đi đằng người, quần áo đi đằng quần áo'.
'Từ nhỏ thấy mình ốm nhưng ăn no, ngủ khỏe nên mình không lo nhiều. Đợt này mình đang dự định về nhà bạn trai chơi, cứ sợ bố mẹ anh ấy lại chê mình. Bố mẹ người yêu cũ cũng từng bóng gió chê mình ốm yếu, không có sức sống', Thư tâm sự.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, trong chế độ ăn hằng ngày cần cung cấp nhu cầu năng lượng cơ bản, nhiều hơn mức năng lượng tiêu hao trong các hoạt động hàng ngày để đảm bảo việc tăng cân.
Sự cân đối của cơ thể được đánh giá bằng chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể), tính bằng cân nặng (tính bằng kg) chia cho chiều cao bình phương (tính bằng m). Nếu BMI nhỏ hơn 18,5 có nghĩa là bạn đang trong tình trạng suy dinh dưỡng. Trước hết, nên đi khám sức khỏe để loại trừ các bệnh lý khiến cơ thể gầy ốm, sút cân như đái tháo đường, ung thư, bệnh tiêu hóa...
'Mỗi ngày cần thiết phải ăn đủ 4 nhóm thực phẩm chính là đạm, béo, bột đường, rau quả, không nên bỏ bữa. Người gầy ốm ngoài 3 bữa ăn chính cần bổ sung thêm các bữa phụ. Bữa phụ nên sử dụng sữa có năng lượng cao, sữa nguyên kem, các chế phẩm từ sữa như bơ, phô mai, váng sữa, bánh flan...', bác sĩ Diệp cho biết.
Theo bác sĩ Diệp, để tăng cân, trong nhóm chất đạm, cần ưu tiên chọn các loại cá béo, trứng, đậu hũ, thịt. Tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây để cơ thể nhận đủ vitamin và khoáng chất cần thiết. Ưu tiên thực phẩm chiên xào.
Nên chọn các thức ăn có nhiều năng lượng giúp dễ tăng cân như buổi sáng có thể dùng phở có nước béo, bún bò có giò heo, bánh mì có phết thêm nhiều bơ. Nếu vẫn chưa tăng cân, có thể chọn thêm các thực phẩm như chè, bún, cháo... để ăn bổ sung vào bữa khuya.
Ngoài ra, cần chú ý vận động, nên chọn một số môn thể dục phù hợp để tập luyện hằng ngày như bơi lội, dưỡng sinh, đi bộ để giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng tốt. Cần sắp xếp thời gian ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, giảm stress.
Bác sĩ Diệp lưu ý, những người gầy ốm không nên tự ý sử dụng các thuốc, thực phẩm tăng cân cấp tốc. Cần đến khám chuyên khoa dinh dưỡng để được các bác sĩ khám, phát hiện các vấn đề liên quan đến hấp thu chuyển hóa và sẽ được gợi ý thực đơn phù hợp, chế độ vận động hợp lý.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!