Theo Cục Điều tra dân số Mỹ, năm 2011 ở nước này đã có 1,7 triệu ông bố đơn thân. 10% trong số này đang nuôi trên 3 con dưới 18 tuổi, khoảng 45% đã li hôn, 31% chưa từng kết hôn, 19% sống ly thân và 5% góa vợ. Ở Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê chính nhưng cùng với những thay đổi về quan niệm sống, tình trạng những người đàn ông nuôi con một mình đang ngày càng trở nên phổ biến.
Cũng giống như các ông bố đơn thân ở khắp mọi nơi trên thế giới, các ông bố đơn thân ở Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi nuôi con một mình.
1. Khó khăn khi chăm sóc và nuôi dạy trẻ
Một số đàn ông có thể chưa từng chơi cùng một đứa trẻ hoặc không hề có một chút kinh nghiệm gì về chăm sóc trẻ cho đến khi có con. Có những người trước đó luôn phó mặc việc chăm sóc, nuôi dạy con cho vợ. Thế nên khi bất đắc dĩ trở thành ông bố đơn thân, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, nuôi dạy con hàng ngày. Chẳng hạn như làm gì khi trẻ không chịu bú sữa ngoài trong khi không có sữa mẹ, làm gì khi trẻ bị phát ban… Một số người sẽ nản chí vì không quen với những công việc vốn rất đơn giản đối với một người mẹ, từ nấu nướng, giặt giũ tới cho trẻ ăn, dạy trẻ học. Họ có thể trở nên cáu kỉnh với trẻ hoặc bị stress. Ông bố độc thân không chỉ là người chăm sóc trẻ, dỗ dành khi trẻ khóc mà còn cần lắng nghe trẻ nói về các vấn đề hàng ngày. Những điều này thực sự là thử thách đối với bản lĩnh đàn ông của họ.
2. Cân bằng giữa công việc, việc nhà và giải trí
Nhiều người đàn ông cảm thấy giá trị của mình chỉ được khẳng định khi có thành công trong sự nghiệp. Do đó, đối với một ông bố đơn thân, việc vừa đảm nhận công việc tốt, vừa chăm sóc con chu đáo là điều rất khó khăn. Đến muộn, về sớm giảm khối lượng công việc, hạn chế những chuyến công tác… đồng nghĩa với giảm thành tích, mất điểm trong mắt sếp.
Là một ông bố đơn thân, cũng có nghĩa bạn sẽ khó để có thời gian dành cho bản thân, bao gồm cả thời gian đến phòng tập thể hình, chơi môn thể thao yêu thích, tụ tập với bạn bè sau giờ làm việc như những ông bố bình thường khác
3. Khó khăn vì sự khác biệt giới tính
Giới tính là một thách thức lớn không dễ vượt qua đối với nhiều ông bố đơn thân có con gái. Đơn giản nhất, việc đưa con gái vào nhà vệ sinh công cộng cũng là một khó khăn. Ở nước ngoài, một số nơi đã có những phòng tắm gia đình, nhưng ở Việt Nam, các nhà vệ sinh công cộng vẫn chia riêng cho từng giới.
Bên cạnh đó, các bà mẹ sẽ hiểu rõ và dễ dàng chia sẻ về những thay đổi thể chất, các mối quan hệ bạn bè… với con gái, điều sẽ là vô cùng khó khăn với các ông bố đơn thân. Các ông bố bình thường sẽ đánh giá về bộ quần áo mới của con gái theo kiểu: ‘Bộ quần áo này có đẹp không bố?’ – ‘Uh, đẹp’ nhưng là một ông bố đơn thân, bạn phải ngắm thực sự, như một người mẹ.
4. Thiếu sự hỗ trợ từ xã hội
Tình trạng ông bố đơn thân không còn là hiếm, nhưng vẫn còn rất thiếu những chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước cho nhóm đối tượng này. Anh là nước có tới 1,9 triệu hộ gia đình là cha mẹ đơn thân, trong đó 8-11% là gia đình có bố đơn thân. Thế nhưng sự quan tâm tới đối tượng này vẫn còn rất ít. Mặc dù chính phủ Anh cũng đã ban hành ‘Hướng dẫn cho người mới làm cha’ nhưng văn bản này chưa thực sự là cẩm nang hữu ích cho những ‘gà trống nuôi con’.
Nhiều nước trên thế giới cũng có nhiều tổ chức được thành lập để hỗ trợ cho các ông bố đơn thân nhưng phần lớn đó tự phát, do chính những ông bố này thành lập.
Dads House là một tổ chức từ thiện ở Anh ra đời với mục tiêu cung cấp chỗ ở tạm thời cho những ông bố đơn thân và con. Và người sáng lập là William McGranaghan, không ai khác chính là một ông bố đơn thân sau khi phải tự mình chăm sóc con mà không có người giúp đỡ.
Ở Việt Nam, ông bố đơn thân Trình Tuấn sau khi trải qua chuỗi ngày xin sữa cho con đã quyết tâm thành lập ngân hàng sữa mẹ. Hiện nay, ngân hàng sữa mẹ đã thu hút hơn 9.000 thành viên, tạo được tiếng vang và bắt đầu kết nối với hệ thống Human Milk for Human Babies của thế giới, trở thành nơi hỗ trợ đắc lực cho những ông bố đơn thân có con nhỏ.
Và nếu không có sự kiện ông bố đơn thân Trình Tuấn thì người ta cũng quên mất rằng ở đâu đó trên đất nước Việt Nam, không chỉ có các bà mẹ đơn thân mà còn rất nhiều những ông bố đơn thân cũng đang phải vật lộn với vai trò vừa làm cha vừa làm mẹ. Họ rất cần một sự hỗ trợ, không chỉ từ người thân, bạn bè mà còn từ người chủ lao động tới các tổ chức xã hội…
Nguồn ảnh: Internet
Hải Ngân (Tham khảo số liệu Carlajbehr, Respublica)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!