Làm mẹ đơn thân đôi khi không phải là một sự lựa chọn mà chỉ đơn giản là một ngã rẽ cuộc đời mà người phụ nữ đành phải đi qua. Quyết định chia tay người cha của đứa bé vốn đã là một việc khó khăn, nuôi con một mình lại càng đong đầy những trăn trở của người mẹ…
Vì nhiều lý do khác nhau, một người phụ nữ có thể quyết định chia tay người đàn ông và chăm sóc con một mình. Việc này đòi hỏi bạn phải có nghị lực, ý chí vững vàng để bản thân có thể vừa là mẹ vừa là bố của đứa trẻ.
Nếu đang cảm thấy lo lắng khi trở thành mẹ đơn thân, những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn có thêm thông tin bổ ích để nuôi dạy con một cách tốt nhất!
Nhận thức được khó khăn của mẹ đơn thân
Để vượt qua thử thách của mẹ đơn thân, bạn cần hiểu rõ những khó khăn của mình. Khi không có sự hỗ trợ của bố em bé, trách nhiệm nuôi con càng trở nên khó khăn hơn. Không chỉ vậy, bạn phải tự mình vượt qua nỗi cô đơn để đảm nhiệm vai trò và trách nhiệm trong mọi khía cạnh chăm sóc trẻ.
Làm mẹ đơn thân, việc có những ngày tháng nhiều áp lực và căng thẳng là điều không thể tránh khỏi. Nếu bạn quá mệt mỏi hoặc mất tập trung để có thể hỗ trợ về mặt cảm xúc hoặc uốn nắn hành vi của con, những vấn đề tiêu cực về mặt cư xử, hành vi của bé có thể nảy sinh.
Mẹ đơn thân vừa đi làm vừa chăm sóc con có thể dẫn tới khó khăn về tài chính và cô lập về mặt xã hội. Để vượt qua khó khăn này, người mẹ đơn thân cũng cần học hỏi những bí quyết giúp việc chăm sóc con trở nên nhẹ nhàng hơn.
Trò chuyện với con về tình trạng hôn nhân
Nhiều gia đình đơn thân là do ly hôn hoặc ly thân. Trong trường hợp này, mẹ đơn thân nên trò chuyện với con về những sự thay đổi mà mình đang đối mặt. Lắng nghe những cảm xúc của con và cố gắng trả lời cho câu hỏi của con một cách thành thật nhất.
Bạn không cần phải nói quá chi tiết hay tiêu cực với trẻ về bố của bé. Nhắc con mình rằng việc cha mẹ ly hôn, ly thân không phải là lỗi của trẻ và mẹ luôn yêu thương trẻ.
Bạn bè và người thân cũng có thể giúp bạn chia sẻ về tình trạng hôn nhân với trẻ theo cách tích cực nhất có thể. Hãy giao tiếp thường xuyên với phụ huynh khác về vấn đề chăm sóc trẻ để giúp con nhanh chóng thích nghi.
Nhẹ nhàng thuyết phục con về người mới
Khi mẹ đơn thân có bạn trai hay muốn đi thêm bước nữa thì nên nói thế nào với con?
Nếu đang hẹn hò, mẹ đơn thân nên xem xét những tác động có thể của bạn trai mới tới con của mình. Bạn nên tìm kiếm người bạn trai tôn trọng mình và con của mình và nên đợi cho tới khi thiết lập mối quan hệ bền vững với người đó trước khi giới thiệu với con. Khi bạn sẵn sàng giới thiệu với con, nên tập trung vào những phẩm chất tốt của người đó.
Mẹ đơn thân cũng không nên mong đợi người yêu mới và con mình sẽ nhanh chóng gần gũi mà cần cho cả hai thời gian để hiểu về nhau. Bạn cũng có thể phân tích rõ cho bé hiểu bạn trai của bạn sẽ không cố gắng thay thế cha ruột của bé.
Chỉ ra những phẩm chất tốt ở nam giới
Là mẹ đơn thân của một đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc của người cha, bạn có thể sẽ lo lắng con bạn thiếu đi hình mẫu người cha trong cuộc sống. Nếu cha của bé không ở cạnh để nói cho biết những phẩm chất tốt ở nam giới, mẹ đơn thân nên giải thích cho con những thông tin tích cực về người khác giới.
Bạn hãy chỉ ra những thành tựu hoặc tính cách tốt của các thành viên khác giới trong gia đình bạn, trong cộng đồng hay thậm chí qua truyền thông. Mẹ đơn thân nên tránh đưa ra những khẳng định chung chung, tiêu cực về người khác giới.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chỉ ra những hình mẫu nam giới không phù hợp. Hãy chia sẻ với con một ví dụ về người khác giới không phù hợp để bé có thể hiểu và tránh tiếp xúc.
Bạn nên tạo cơ hội cho con gặp gỡ những người bạn khác giới của bạn dù họ không phải là bạn trai của bạn. Hãy xây dựng những mối quan hệ tích cực với những người có trách nhiệm và sẵn sàng trở thành hình mẫu cho con.
Học hỏi cách chăm sóc con của mẹ đơn thân
Để giảm căng thẳng cho bản thân, bạn nên học cách nuôi dạy trẻ của một người mẹ đơn thân theo cách tích cực nhất có thể. Sau đây là một số bí quyết sẽ giúp việc chăm sóc con của bạn trở nên nhẹ nhàng hơn:
♥ Thể hiện tình yêu với con: Bạn nên khen ngợi con, dành cho con những tình cảm yêu thương và hỗ trợ không điều kiện, dành thời gian để chơi, đọc sách cho con nghe hoặc đơn giản là ngồi cạnh bé hàng ngày.
♥ Tạo thói quen tốt cho con: Thu xếp thời gian ăn ngủ nề nếp và có kế hoạch sẽ giúp ích rất nhiều cho mẹ đơn thân trong cuộc sống gia đình.
♥ Kết hợp làm việc nhà và chơi cùng con: Một số bà mẹ đơn thân vừa kết hợp làm việc nhà và chơi với con để không phải thức khuya để làm hết việc nhà. Ví dụ, bạn có thể ngồi ở phòng khách để gấp quần áo cùng bé cũng như xem bé vui chơi. Mẹ đơn thân có thể vừa làm việc nhà, vừa chơi cùng con hoặc dạy trẻ làm việc nhà theo độ tuổi để bé vận động và phụ giúp mẹ.
♥ Tìm kiếm những địa điểm và dịch vụ giữ trẻ có chất lượng: Nếu cần tìm nơi gửi trẻ thường xuyên, bạn nên tìm một người trông trẻ có thể đem đến một môi trường an toàn cho trẻ. Đừng dồn quá nhiều trách nhiệm cho đứa con lớn của bạn phải chăm sóc em nhỏ. Bạn cũng nên cẩn trọng khi nhờ một người mới quen giúp coi giữ trẻ.
♥ Sắp xếp lịch làm việc phù hợp để có thể chăm sóc trẻ: Một số mẹ đơn thân làm việc tại nhà và vì vậy có thể dành nhiều thời gian để trông chừng và chăm sóc con. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tìm và lựa chọn công việc như vậy.
Nhiều mẹ đơn thân có lịch làm việc dày đặc và thời gian không phù hợp với việc đón con từ nhà trẻ, trường học. Trong những trường hợp này, đừng ngại ngần thử hỏi sếp của bạn xem có thể điều chỉnh lịch làm việc một chút, ví dụ đến sớm hơn và về sớm hơn để kịp đón con.
♥ Giáo dục trẻ từ những điều nhỏ nhặt: Mẹ đơn thân nên giải thích những quy tắc và nói cho trẻ biết những việc nên hay không nên làm. Ví dụ, bạn có thể dạy con không nói dối hoặc phải lễ phép với người lớn và yêu cầu bé làm theo. Bạn cũng nên phối hợp với cô giáo của trẻ để có cách dạy trẻ nhất quán.
♥ Đừng cảm thấy có lỗi: Mẹ đơn thân không nên đổ lỗi cho bản thân hoặc đổ lỗi cho bé về việc mình trở thành mẹ đơn thân.
♥ Dành thời gian chăm sócbản thân: Mẹ đơn thân nên dành thời gian tập thể dục hàng ngày, ăn uống lành mạnh và có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Bạn cũng nên sắp xếp thời gian và dành thời gian cho bản thân, bạn bè cũng như dành ra vài giờ để thu xếp việc chăm sóc trẻ.
♥ Nhận sự giúp đỡ của những người xung quanh: Mẹ đơn thân có thể lên lịch trình đi chung xe với các phụ huynh khác hay tham gia một nhóm hỗ trợ mẹ đơn thân hoặc tìm kiếm các dịch vụ xã hội. Bạn cũng có thể gọi cho người thân, bạn bè và hàng xóm để được giúp đỡ khi cần thiết.
♥ Luôn giữ tinh thần lạc quan:Bạn nên thành thật với con mình nếu bản thân đang gặp khó khăn nhưng cũng nói với trẻ rằng mọi thứ sẽ sớm trở nên tốt hơn. Bạn cũng nên cho bé mức độ trách nhiệm nhất định phù hợp với độ tuổi thay vì kì vọng bé sẽ cư xử giống như là một người trưởng thành. Mẹ đơn thân cũng nên lạc quan khi đối phó với mọi thử thách hàng ngày.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng con của những người mẹ đơn thân có nguy cơ bị trầm cảm và mất tự trọng cao hơn so với trẻ cùng lứa. Các dấu hiệu có thể là cô lập bản thân, cảm thấy buồn, cô đơn, cảm thấy không được yêu thương, không thích hình ảnh của mình hay tuyệt vọng. Nếu bạn nhìn thấy các dấu hiệu này ở con mình, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra hướng giải quyết.
Làm mẹ đơn thân có thể là một trải nghiệm đầy thử thách nhưng điều này cũng chứng minh sự dũng cảm và tình yêu con vô bờ bến của bạn. Bạn nên thể hiện tình yêu và sự tôn trọng đối với con thông qua việc trò chuyện chân thành và tích cực cùng con. Hãy cố gắng để bản thân được vui vẻ để giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống và nuôi dưỡng con khỏe mạnh, nên người nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Làm bố mẹ đơn thân bạn phải đối phó với điều gì?
- Mẹ đơn thân muốn “đi thêm bước nữa”: nói với con thế nào?
- 7 cách giúp mẹ đơn thân vượt qua nỗi cô đơn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!