Hỏi:
Em đã kết hôn được 3 năm nhưng chưa có mụn con nào, khám nhiều nơi bác sĩ kết luận: vợ bình thường, chồng không có tinh trùng. Xin hỏi trường hợp của em là bệnh gì? Có thể sinh con được không? (Trần Hoàng Quân).
Trả lời:
Chào em,
Vô sinh nam chiếm khoảng 40% trường hợp vô sinh hiếm muộn, trong đó bất thường về tinh trùng là nguyên nhân phổ biến nhất. Cụ thể các trường hợp bất thường về tinh dịch đồ có thể gặp như vô tinh, thiểu tinh, tinh trùng di dạng…, trong đó không có tinh trùng là một vấn đề hay gặp nhất.
Trong cơ quan sinh dục nam giới, tinh hoàn là nơi sản xuất tinh trùng. Sau khi được phân chia và biệt hóa từ tinh nguyên bào, tinh trùng sẽ di chuyển qua hệ thống ống mào tinh và ống dẫn tinh rồi lưu trữ trong túi tinh trước khi được phóng ra bên ngoài khi quan hệ tình dục. Thuật ngữ không có tinh trùng được coi như là không có tinh trùng trong tinh dịch. Chúng ta cần phân biệt với những trường hợp như xuất tinh ngược và không xuất tinh.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi tư vấn cho một người đàn ông hiếm muộn. Ảnh: MT.
Không có tinh trùng trong tinh dịch (azoospermia) được chia thành 2 nhóm. Thứ nhất là azoo do đường dẫn, chẳng hạn như tắc ống dẫn tinh, tắc ống mào tinh, không có ống dẫn tinh bẩm sinh… Thứ hai là azoo do tinh hoàn, chẳng hạn như suy tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, một số rối loạn nhiễm sắc thể…
Để xác định nguyên nhân không có tinh trùng, nam giới cần được kiểm tra tinh dịch đồ ít nhất 2 lần và mẫu tinh dịch đồ sau ly tâm rồi soi dưới kính hiển vi. Nếu không phát hiện tinh trùng trong tinh dịch thì có thể kết luận là bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch.
Sau khi kết luận một bệnh nhân không có tinh trùng, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm như kiểm tra nội tiết tố sinh dục nam, di truyền (ở các trường hợp bất thường di truyền) để định hướng nguyên nhân vô tinh bắt nguồn từ đâu. Có 2 khả năng: 2 tinh hoàn không sản xuất tinh trùng hoặc 2 tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng bình thường nhưng đường dẫn có vấn đề.
Trường hợp thứ nhất nguyên nhân nằm ở tinh hoàn (hệ thống dẫn tinh vẫn bình thường nhưng hai tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng), bệnh nhân sẽ được chỉ định là thủ thuật tìm tinh trùng bên trong tinh hoàn như chọc hút tinh hoàn qua da, sinh thiết tinh hoàn qua vi phẫu để tìm tinh trùng. Nếu có tinh trùng, bệnh nhân cũng sẽ được tư vấn làm hỗ trợ sinh sản. Nếu kết quả không thấy tinh trùng, bệnh nhân sẽ được tư vấn xin tinh trùng trong ngân hàng tinh trùng để thực hiện các biện pháp hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho người vợ.
Nguyên nhân tiềm ẩn làm giảm số lượng tinh binh (Việt hóa bởi Songkhoe.vn)
Trường hợp thứ hai nguyên nhân nằm ở đường dẫn (2 tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng bình thường nhưng hệ thống dẫn tinh trùng có vấn đề), bệnh nhân sẽ được chỉ định chọc hút mào tinh hoàn để tìm tinh trùng hay tìm tinh trùng bên trong đường dẫn tinh. Sau đó thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm. Một số ít trường hợp có thể được tư vấn phẫu thuật khôi phục hệ thống dẫn tinh như nối ống dẫn tinh hay nối ống dẫn tinh mào tinh rồi sau đó theo dõi tự nhiên. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này chưa cao và thời gian chờ đợi của bệnh nhân lâu.
Em muốn có con thì việc cần làm hiện nay là đến bệnh viện có chuyên khoa Nam học hoặc Hiếm muộn khám và làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân dẫn đến không có tinh trùng. Từ đó bác sĩ sẽ tư vấn hướng khắc phục và phương pháp điều trị cụ thể phù hợp.
Thân ái!
>> Xem thêm: Trong tinh dịch chỉ có 10% là tinh trùng, còn lại là những gì?
BSCK2, chuyên gia về Nam khoa và tiết niệu Nguyễn Khắc Lợi
Giám đốc kiêm Trưởng khoa Nam học
Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!