Cùng với đó, vi-rút Zika cũng đang là mối nguy hiểm tiềm tàng. Đáng nói là các biểu hiện của sốt xuất huyết và Zika khá giống nhau khiến người dẫn khó phân biệt rạch ròi.
Phân biệt sốt xuất huyết và Zika
Bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi-rút Zika đều do vi-rút gây nên. Bệnh có thể bắt đầu bằng triệu chứng như sốt, mỏi người, mỏi khắp các cơ. Tuy nhiên, hai bệnh này cũng có những điểm khác biệt.
TS .Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), phân tích: Bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện rất mệt, đau, mỏi toàn thân, sốt cao từ 39 - 40 độ và sốt không dứt trong nhiều ngày. Sốt xuất huyết có thể biểu hiện nặng như xuất huyết, chảy máu ở mũi, chân răng, ở phụ nữ có thể là chảy máu âm đạo, kinh sớm hơn hoặc dài ngày hơn. Biểu hiện bệnh nặng nhất là cơ thể bị sốc. Vì vậy, bệnh sốt xuất huyết cần phải được quan tâm đặc biệt.
Còn bệnh do vi-rút Zika, người bệnh chỉ sốt nhẹ, có biểu hiện phát ban, đỏ mắt, viêm kết mạc và đau mỏi các khớp. Cả hai bệnh này lây truyền cho người chủ yếu do muỗi Aedes mang vi-rút đốt. Ngoài vết muỗi đốt, vi-rút Zika còn có khả năng lây truyền qua đường tình dục và đường máu. Song, đây là những phương thức lây truyền không phổ biến.
Nếu sốt xuất huyết thường khá nguy hiểm, có thể gây nên biến chứng nặng dẫn đến tử vong thì bệnh do vi-rút Zika ít lo ngại hơn. Thông thường, trong vòng 3-7 ngày, người mắc bệnh do vi-rút Zika có khả năng hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, vi-rút Zika lại được cho là ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và có liên quan đến hội chứng não nhỏ ở thai nhi, TS Phạm Quang Thái khuyến cáo.
Không nên tự điều trị bệnh tại nhà
Nhiều người cho rằng, bệnh do vi-rút Zika đa số nhẹ, tự khỏi, cho nên không cần thiết phải tới bệnh viện. Đây là nhận thức chủ quan. Bởi vì, thực tế đã có những biến chứng nặng xảy ra. Trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm vi-rút Zika tử vong do biến chứng Guillain-Barre (viêm đa dây rễ thần kinh). Biểu hiện của biến chứng này là người bệnh bị liệt, liệt từ chân, lan lên bụng rồi đến cơ hô hấp, dẫn tới không tự thở được và tử vong.
Vì vậy, BS Nguyễn Quốc Thái - Phòng Cấp cứu, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, dù người bệnh có biểu hiện bệnh nhẹ, vẫn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, và xét nghiệm khẳng định có bị vi-rút Zika hay không để có kế hoạch theo dõi bệnh phù hợp, đề phòng các biến chứng bệnh nặng. 'Bệnh nhân không nên tự điều trị bệnh tại nhà', BS Nguyễn Quốc Thái nói.
Có nên tự xét nghiệm?
Mặc dù vi-rút Zika có ảnh hưởng không lớn đến sức khỏe của người dân bình thường, tuy nhiên, trước nguy tiềm ẩn tác động của vi-rút Zika gây chứng đầu nhỏ đối với trẻ sơ sinh, ngày 12/4, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra những khuyến cáo đối với người dân.
Người dân nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc cần đến cơ quan y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán xác định bệnh. Đồng thời, không nên tự xét nghiệm xác định vi-rút Zika khi chưa có ý kiến tư vấn của cán bộ y tế. Việc xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi-rút Zika chỉ tiến hành khi có chỉ định của cơ quan y tế.
Phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu, sống trong vùng có dịch hoặc đã từng đến vùng có dịch nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc nên đi xét nghiệm xác định vi-rút Zika. Phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu có chồng hoặc bạn tình có xét nghiệm vi-rút Zika dương tính nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc nên đi xét nghiệm xác định vi-rút Zika.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để chủ động phòng ngừa bị nhiễm vi-rút Zika, người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp tránh bị muỗi đốt và tích cực tham gia diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy)....
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!