Không phết tế bào, phụ nữ dễ mắc ung thư cổ tử cung

Sức khỏe sinh sản - 11/24/2024

Hầu hết những trường hợp ung thư cổ tử cung xảy ra ở phụ nữ không tầm soát hoặc tầm soát ung thư cổ tử cung không thích hợp.

TS.BS. Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc BV. Từ Dũ, cảnh báo: hầu hết những trường hợp ung thư cổ tử cung xảy ra ở phụ nữ không tầm soát hoặc tầm soát ung thư cổ tử cung không thích hợp.

Ước tính 50% các trường hợp phụ nữ bị ung thư cổ tử cung được chẩn đoán chưa từng được làm phết tế bào trước đây, và khoảng 10% đã không tầm soát trong vòng 5 năm trước khi được chẩn đoán ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu không đẩy mạnh các chương trình sàng lọc, 10 năm nữa, tỉ lệ mắc mới và tử vong do ung thư CTC sẽ tăng 25%.

Không phết tế bào, phụ nữ dễ mắc ung thư cổ tử cung

(Ảnh minh họa: Nguồn ảnh: Y học cộng đồng)

Mỗi năm có khoảng 530.000 ca bệnh mới, trong đó khoảng 275.000 ca tử vong và 80% các trường hợp tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, tỉ lệ ung thư CTC đang gia tăng. Năm 2010, Việt Nam có 5.664 ca mắc ung thư CTC, tỉ lệ mắc là 13,6/100.000. Trong khi đó, theo một khảo sát của Anh, với chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung, hàng năm đã ngăn chặn 2.000 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung và cứu sống 1.300 phụ nữ bị ung thư cổ tử cung không được phát hiện sớm. Ung thư CTC rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia không có chương trình tầm soát.

Theo BS. Thu Thủy, tầm soát ung thư cổ tử cung nên bắt đầu từ độ tuổi 21. Với phụ nữ trong độ tuổi 21 - 29 tuổi, việc tầm soát nên thực hiện mỗi ba năm một lần. Còn ở phụ nữ tuổi 30 - 65, việc thực hiện phết tế bào (PAP) kết hợp với xét nghiệm HPV được ưu tiên chọn lựa và nên thực hiện mỗi 5 năm/lần. Việc kết hợp này có độ nhạy cao hơn PAP đơn thuần. Khoảng cách tầm soát có thể kéo dài hơn, và ít phải thực hiện soi cổ tử cung để theo dõi hơn. Những phụ nữ có yếu tố nguy cơ cần phải tầm soát tế bào cổ tử cung thường xuyên hơn: phụ nữ nhiễm HIV, bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch (ghép tạng), phụ nữ có tiền căn điều trị tân sinh cổ tử cung CIN II/III. Phụ nữ đã từng được điều trị CIN II hoặc hơn vẫn có nguy cơ ung thư tái phát hoặc tiềm tàng ít nhất 20 năm sau khi điều trị.

Không phết tế bào, phụ nữ dễ mắc ung thư cổ tử cung

Phết tế bào ung thư tầm soát ung thư cổ tử cung

Nhiễm vi-rút gây u nhú ở người (HPV) thường gặp ở phụ nữ trẻ sau khoảng thời gian ngắn bắt đầu quan hệ tình dục. Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều tự khỏi trong vòng 1 - 2 năm nhờ hệ miễn dịch đào thải mà không để lại những thay đổi về tân sinh ở cổ tử cung. Việc tầm soát ung thư cổ tử cung quá sớm có thể làm gia tăng tình trạng lo lắng, tốn kém và dẫn đến lạm dụng những phương pháp theo dõi. Đối với tuổi thanh thiếu niên, những ảnh hưởng về mặt cảm xúc do bệnh lý lây truyền qua đường tình dục và những tổn thương tiền ung thư tiềm tàng cần được chú ý đến, vì đây là giai đoạn có những quan tâm quá mức về bản thân và cũng là giai đoạn bắt đầu có quan hệ tình dục. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ sinh non ở những phụ nữ có điều trị CIN bằng các phương pháp xâm lấn (cắt đoạn hay bóc tách).

Với lứa tuổi này, chăm sóc sức khỏe sinh sản ban đầu không thể dựa vào tầm soát ung thư cổ tử cung. Chiến lược quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ dưới 21 tuổi là tư vấn về hành vi tình dục an toàn, nhằm hạn chế các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các yếu tố nguy cơ làm tăng tình trạng nhiễm HPV dai dẳng bao gồm: thuốc lá, suy giảm miễn dịch và nhiễm HIV.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!