Kiểm soát dân số các xã ven biển huyện Hoằng Hóa còn nhiều khó khăn

Thời sự - 05/03/2024

Đề án Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển (Đề án 52) đã được triển khai kịp thời, sâu rộng và vận dụng có hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, những năm gần đây công tác lãnh đạo, điều hành của một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa được thường xuyên, sâu sát, kinh phí triển khai không có đã ảnh hưởng rất lớn tới việc giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Hoằng Hoá là huyện ven biển của tỉnh Thanh Hoá và là một trong 7 đơn vị trong tỉnh được thụ hưởng Đề án 52, toàn huyện có 7 xã được triển khai Đề án bao gồm các xã: Hoằng Châu, Hoằng Yến, Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ và Hoằng Trường.

Dân số vùng ven biển Hoằng Hoá có 55.809 người bằng 23,8% dân số trong toàn huyện, trong đó phụ nữ từ 15- 49 có 14.013 người; Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng là 8.959 người. Về lĩnh vực Dân số, chăm sóc SKSS, KHHGĐ tại vùng ven biển còn nhiều hạn chế và bất cập.

Kiểm soát dân số các xã ven biển huyện Hoằng Hóa còn nhiều khó khăn

Mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới tại các xã ven biển huyện Hoằng Hóa

Tỷ suất sinh năm 2019 là 16,5%o, tỷ lệ sinh con thứ 3 tại các xã ven biển là 27,2%. Tỷ suất chết mẹ là 0%, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 15- 49 mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản là 71 %; tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn còn cao, bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn các xã khác trong huyện và cao hơn mức bình quân của cả tỉnh. Nhu cầu sinh con của các cặp vợ chồng vùng biển lớn, nhất là nhu cầu sinh con trai. Dân di cư đến vùng ven biển để lao động và sinh sống ngày càng đông.

Đa số phụ nữ chuẩn bị kết hôn hay trước khi sinh, sống trong môi trường biển, ngập mặn chưa được tư vấn và khám để ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình mang thai và chất lượng của thai nhi. Trẻ sơ sinh chưa được phát hiện và can thiệp điều trị sớm các bệnh lý chuyển hoá, di truyền. Cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ ở cấp xã còn thiếu và yếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường và khí hậu biển. Năm 2019 tổng số bác sỹ tại tuyến xã là 40 bác sỹ trong đó 7 xã ven biển thuộc Đề án 52 là 6 bác sỹ.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các trạm trong năm 2019 không có bổ sung trang thiết bị của Đề án nên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trong địa bàn. Vì vậy, thực hiện mục tiêu giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số ở các xã ven biển vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều năm tới.

9 tháng đầu năm 2020, huyện Hoằng Hóa đã triển khai Đề án 52 đặt dụng cụ tử cung là: 386 người, khám phụ khoa: 476 người, xét nghiệm vi rút viêm gan B: 560 người... Tư vấn quản lý đối tượng (tư vấn chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai, nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn có nguy cơ cao tại vùng ven biển) tổng số người là 280 người/ 7 xã.

Kiểm soát dân số các xã ven biển huyện Hoằng Hóa còn nhiều khó khăn

Công tác dân số tại các xã ven biển hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch

Ông Lê Bá Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hoằng Hóa cho biết: 'Thực hiện Đề án 52 chúng tôi đã xác định việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, luôn chú trọng đổi mới, đa dạng hóa công tác truyền thông. Phối hợp với các ban ngành cấp huyện, các địa phương tổ chức nhiều loại hình hoạt động, nhiều kênh truyền thông khác nhau nhằm tạo hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền và bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, những năm gần đây công tác lãnh đạo, điều hành của một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa được thường xuyên; sự phối hợp của một số cơ quan, ban ngành trong tổ chức thực hiện đề án còn thiếu đồng bộ; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn trực tiếp chưa đi vào chiều sâu nên chưa tạo được chuyển biến sâu sắc trong ý thức và tâm lý người dân; cơ sở vật chất thiếu... Trình độ nhận thức các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS - KHHGĐ, cách tự chăm sóc sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản của nhóm cư dân vùng biển chưa cao, vì vậy đây cũng là nguyên nhân lớn gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện Đề án.

Kinh phí triển khai Đề án 52 không có trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ của ngân sách xã không đủ đáp ứng điều kiện cho các xã triển khai các hoạt động, gây nhiều khó khăn cho việc đáp ứng dịch vụ KHHGĐ trong các đợt khám sức khoẻ cho đối tượng tại địa bàn. Kinh phí cho điều trị phụ khoa không còn. 'Vì vậy, công tác tuyên truyền các đối tượng đến khám và điều trị của đề án không đem lại kết quả cao', ông Toàn cho biết thêm.

Để triển khai công tác dân số tại các xã vùng biển và ven biển, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoằng Hoá đề xuất, cần có thêm chính sách an sinh xã hội, nghề nghiệp khác dành cho phụ nữ vùng biển nhằm góp phần giải quyết tận gốc của vấn đề nam giới sống trên địa bàn thuộc Đề án 52 chỉ có nghề duy nhất là đi biển để nuôi sống gia đình.

Bên cạnh đó, cần cung cấp đầy đủ phương tiện, sản phẩm truyền thông, phương tiện đi lại cho các Đội dịch vụ lưu động, kể cả cung cấp trang thiết bị chuyên môn y tế như máy siêu âm xách tay, máy xét nghiệm sinh hóa, kính hiển vi... Đáp ứng đủ ngân sách cho các hoạt động tổ chức triển khai tại huyện, xã đặc biệt là cho công tác truyền thông. Bổ sung kinh phí cho khám, điều trị phụ khoa để các đối tượng khó khăn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!