Xuất hiện 'siêu lậu'
Báo cáo vừa công bố cuối tuần này của WHO cho thấy chỉ trong vòng 1 năm, cả thế giới có thể có thêm 127 triệu người mắc chlamydia, 87 triệu người mắc bệnh lậu, 6,3 triệu ca giang mai, 156 triệu ca trichomonas và nhiều dạng bệnh hoa liễu khác. Tính ra trung bình mỗi ngày có hơn 1 triệu người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục các loại.
Trong đó, đáng lo ngại nhất là tỉ lệ bệnh lậu kháng thuốc ngày càng tăng, đưa đến những ca 'siêu bệnh lậu', với những triệu chứng tương đương căn bệnh lậu quen thuộc nhưng không thể chữa nổi bằng phác đồ thông thường.
Bệnh lậu kháng thuốc gia tăng
Theo bác sĩ da liễu Trần Thị Kim Loan – Bệnh viện An Việt, bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn do song cầu Gram (-) Neisseria gonorhoeae gây nên. Bệnh thường lây trực tiếp qua quan hệ tình dục không bảo vệ đường âm đạo, hậu môn và sinh dục - miệng.
Đây là một bệnh lây nhiễm rất phổ biến và ngày càng gia tăng trong cộng đồng, đặc biệt ở thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 tuổi.
Tỷ lệ nữ bị mắc bệnh lậu sau một lần quan hệ tình dục với đàn ông bị bệnh vào khoảng 60-80%.
Ở nam giới những triệu chứng bệnh lậu thường bắt đầu 2 ngày sau khi cơ thể bị nhiễm bệnh, nhưng cũng có thể kéo dài hơn.
Triệu chứng bệnh lậu ở nam giới khá dễ nhầm với một số bệnh khác. Triệu chứng đáng chú ý đầu tiên đó thường là cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu. Khi bệnh tiến triển dương vật bị chảy mủ là dấu hiệu phổ biến nhất của việc nhiễm trùng. Tình trạng mủ nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người bệnh có thể bị chảy mủ trong vòng hai tuần kể từ khi bị nhiễm trùng. Mủ chảy từ trong niệu đạo, màu vàng đặc hay vàng xanh.
Người bệnh còn bị viêm toàn bộ niệu đạo: tiểu rắt, tiểu khó kèm theo sốt, mệt mỏi, tiểu ra mủ ở đầu bãi.
Bác sĩ Loan cho biết khi nhiễm lậu, phụ nữ bị viêm cổ tử cung là biểu hiện đầu tiên của bệnh lậu nữ. Thời gian ủ bệnh của bệnh lậu ở nữ là không rõ ràng nhưng thông thường trong khoảng 10 ngày. Các triệu chứng thường thấy là ra khí hư nhiều, tiểu khó, ra máu giữa kỳ kinh, rong kinh…
Bác sĩ Trần Thị Kim Loan chia sẻ về bệnh lậu.
Không riêng lây nhiễm lậu ở vùng sinh sản, tỷ lệ nhiễm lậu vùng hầu họng cũng gia tăng khi nhiều người có thói quen sinh hoạt tình dục bằng miệng.
Khi lậu ở vùng họng, theo bác sĩ Loantỷ lệ nhiễm trùng hầu họng trong những bệnh nhân bị lậu tình dục khác giới là nam khoảng 3-7%, nữ 10-20% và 10-25% nam tình dục đồng giới. Có tới trên 90% trường hợp không triệu chứng. Biểu hiện viêm hầu họng, viêm amidan cấp, đôi khi có sốt và sưng hạch vùng cổ.
Bệnh nhân có thể có đơn độc một triệu chứng hoặc có nhiều triệu chứng. Biểu hiện các triệu chứng có thể rất nhẹ hoặc rầm rộ. Khi khám có thể thấy mủ ở niệu đạo, các tuyến quanh niệu đạo, tuyến Bartholin.
Tự chữa gây kháng kháng sinh
Bác sĩ Loan cho biết bệnh nhân bị lậu khi có triệu chứng tiểu buốt thường nhầm với viêm niệu đạo và ngại đi khám nên tự mua kháng sinh uống. Điều này làm mất triệu chứng của bệnh lậu và gây nên tình trạng lậu kháng thuốc.
Ngoài ra, nhiều trường hợp đi chữa bệnh ở bên ngoài vì là bệnh khó nói. Lậu không dứt điểm gây nên lậu kháng thuốc.
Về việc điều trị bệnh lậu bác sĩ Loan cho biết không khó nhưng bệnh nhân bắt buộc phải tuân thủ chế độ điều trị: không quan hệ tình dục, không uống rượu bia và chất kích thích, không làm thủ thuật tiết niệu trong thời gian điều trị.
Đồng thời bệnh nhân sẽ được chỉ định thêm xét nghiệm huyết thanh giang mai và HIV trước và sau khi điều trị để phát hiện sàng lọc hai bệnh này.
Cách phòng ngừa nhiễm bệnh lậu và các bệnh lây nhiễm đường tình dục khác, theo bác sĩ Loan không quan hệ tình dục ngoài luồng. Nếu có quan hệ tình dục cần nhớ luôn luôn sử dụng bao cao su.
Thanh niên chưa lập gia đình cần cởi mở với người bạn tình, kiểm tra bệnh lý lây truyền qua đường tình dục đều đặn. Nếu bạn tình có dấu hiệu nhiễm trùng, hãy tránh tiếp xúc tình dục và khuyên họ nên đi kiểm tra để loại trừ bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào có thể lây truyền.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!