Những trận lũ trong vài năm trở lại đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân về sự chuẩn bị để ứng phó với lũ lụt. Để đảm bảo an toàn cho gia đình và bản thân, bạn luôn phải đặt mình trong tư thế sẵn sàng ứng phó.
Ứng phó với thiên tai mất rất nhiều thời gian và có thể ập đến bất cứ lúc nào. Thật khủng khiếp khi nghĩ về điều này, nhưng xét về mặt khác, việc nghĩ rằng thiên tai có thể xảy đến bất cứ lúc nào lại rất có ích để có thể chuẩn bị sẵn sàng cách thức ứng phó. Chỉ với vài bước đơn giản, bạn có thể dễ dàng trang bị kỹ năng sống sót trong các trường hợp khẩn cấp.
Lập kế hoạch khi có thiên tai
Trước tiên, cần phải quan sát xung quanh. Bạn có ở trong tâm bão không? Bạn có ở trong vùng ngập lụt không? Bạn có ở trong vùng có động đất không? Hãy học cách ứng phó với từng loại thảm họa khác nhau, bạn sẽ cần làm gì trong từng trường hợp trên.
Tìm các tuyến đường di tản khẩn cấp và thảo luận với người thân. Chọn ra con đường tốt nhất để rời khỏi nhà và con đường tốt nhất để thoát khỏi thiên tai trong khu vực bạn sinh sống.
Nếu nhà bạn không thể làm địa điểm tập hợp người thân, hãy chuyển điểm tập hợp sang chỗ khác ở gần nhà hoặc trong khu vực bạn sống (ví dụ như quán cà phê hay nhà văn hóa). Nếu ngay cả việc này cũng không thực hiện được, hãy nghiên cứu kế hoạch di tản đến các khu vực khác.
Không thừa tí nào khi chuẩn bị sẵn từng kế hoạch A, B, và C. Hãy đảm bảo rằng mọi thành viên trong gia đình đều biết về những kế hoạch này và những điều họ cần làm trong từng tình huống.
Số điện thoại liên lạc khẩn cấp
Trong danh bạ trên điện thoại cá nhân, hãy lưu vào mục ưu tiên (mục Quay số nhanh) những sốđiện thoại quan trọng nhất như bố mẹ, anh chị em, con cái, cứu hộ chữa cháy, cấp cứu 115… để bấm ngay khi cần gọi khẩn cấp. Khi thiên tai xảy ra, bạn có thể trở nên vô cùng lúng túng và không thể nhớ bất kỳ số điện thoại nào để nhờ cứu giúp.
Lưu ý các kế hoạch di tản khẩn cấp cho người già, trẻ nhỏ và người tàn tật cần chi tiết hơn. Ví dụ, bố mẹ cần dặn dò các bé tuân thủ theo hiệu lệnh di tản của nhà trường khi đang đi học thay vì thực hiện theo kế hoạch của gia đình.
Chuẩn bị bộ tiếp liệu khẩn
Không thể nói trước được sẽ có những gì xảy ra trong thiên tai, nhưng những vật dụng thiết yếu như nước, điện, và điện thoại phải luôn sẵn sàng. Các tổ chức viện trợ và dịch vụ y tế sẽ không thể đến được chỗ bạn trong vài ngày, hoặc bạn có thể không về nhà được. Trong những trường hợp trên, việc trang bị sẵn sàng rất cần thiết.
Hội chữ thập đỏ khuyến cáo mỗi gia đình nên chuẩn bị 6 thứ sau tại nhà:
- Nước: Chuẩn bị 3,7 lít nước cho môt người/ngày. Mỗi người hãy dùng ít nhất một nửa lượng nước đó để uống, nửa còn lại dùng để nấu ăn và vệ sinh.
- Thực phẩm: Hãy chọn những thứ gọn nhẹ, ít hư hỏng và không cần giữ lạnh hay chế biến. Có thể chọn đồ hộp ăn liền, trái cây, rau; nước ép đóng hộp; các món thiết yếu (muối, đường, tiêu ớt, gia vị); các thực phẩm năng lượng cao; vitamin; thực phẩm cho trẻ nhỏ, thực phẩm ăn liền. Hãy dự trữ các món bạn thích ăn. Thức ăn vừa miệng có thể khiến bạn thoải mái hơn khi khó khăn. Nếu bạn phải hâm nóng đồ ăn, hãy trữ sẵn cồn khô.
- Hộp sơ cứu: Đảm bảo ở nhà và trong mỗi xe đều có hộp sơ cứu. Bạn nên trữ các loại thuốc không cần kê đơn như thuốc giảm đau, tiêu chảy, khó tiêu, ói, và táo bón.
- Trang phục thiết yếu nhất: Bạn nên chuẩn bị sẵn một thùng nhỏ chứa ít nhất 1 bộ quần áo và 1 đôi dép cho mỗi người trong nhà. Chăn giữ ấm cũng rất cần thiết, nhất trong trường hợp có trẻ nhỏ.
- Dụng cụ và vật dụng khẩn cấp: Không bao giờ là thừa khi bộ tiếp liệu của bạn có một ít giấy vệ sinh, xà phòng, vài chiếc chén giấy và muỗng đũa sử dụng một lần. Chúng sẽ cực kỳ hữu ích trong trường hợp bạn phải trú ngụ tạm ở đâu đó để chờ cứu hộ. Hãy chuẩn bị sẵn tờ hướng dẫn các bước chuẩn bị trong trường hợp khẩn cấp. Bỏ thêm vào radio mini chạy bằng pin (để có thể dò đài nghe tin tức cứu hộ khi điện thoại của bạn bị hỏng) và đèn pin cùng với pin dự phòng. Dự trữ một ít tiền mặt, tiền lẻ. Càng cẩn thận hơn nếu bạn chuẩn bị diêm đựng trong hộp chống nước, la bàn, kiềm, giấy bạc, hộp nhựa, pháo sáng, giấy, bút chì, kim, chỉ, ống nhỏ giọt thuốc, cờ lê chữ T, còi, băng keo, túi bóng và bản đồ để xác định vị trí trú ẩn. Các vật này sẽ cứu chúng ta khi rơi vào vị trí bị cô lập;
- Những vật dụng đặc biệt về y tế: Đối với em bé, cần mang theo bột ăn dặm, tã, bình sữa, bột sữa và thuốc. Người lớn tuổi cần nhớ mang theo thuốc dành cho căn bệnh riêng (ví dụ như thuốc cao huyết áp hoặc tiểu đường), răng giả, mắt kính.
Hãy đảm bảo cất giữ vật dụng trong hộp kín gió và dễ mang theo, đặt ở nơi dễ lấy và không bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Để bảo quản các vật dụng trong hộp tiếp liệu, bạn hãy cất chúng ở nơi thoáng mát tránh tiếp xúc với môi trường xung quanh. Và nên kiểm tra hộp tiếp liệu của bạn 6 tháng một lần để kịp thời thay thế những thứ bị hư hỏng.
Mẹo sống sót sau lũ
Sau một trận lũ, cần một khoảng thời gian để có thể trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường. Dưới đây là những kỹ năng thiết yếu bạn cần nắm vững:
- Chỉ quay về nhà khi chính quyền công bố khu vực nhà bạn đã an toàn;
- Trước khi bước vào nhà, hãy chú ý kiểm tra xung quanh các dây điện bị đứt, dây gas bị rò rỉ, hư hỏng hoặc những thiệt hại khác để tránh tình huống bị giật điện, rơi đồ vào người;
- Một phần căn nhà của bạn có thể bị hư hỏng hay sụp đổ. Hãy cẩn thận khi bước vào nhà. Kiểm tra xem mái hiên có vững không;
- Cảnh giác với các loài vật hoang, đặc biệt là rắn độc có thể chui vào nhà bạn theo dòng lũ;
- Nếu ngửi thấy mùi gas hay nghe tiếng xì, rời khỏi nhà ngay lập tức và báo cảnh sát chữa cháy;
- Nếu dây điện bị rớt xuống bên ngoài nhà, tuyệt đối không đứng trong vùng nước hay trong chỗ bị ngập;
- Giữ trẻ em và vật nuôi khỏi khu vực nguy hiểm và vùng ngập nước;
- Những vật liệu như sản phẩm lau chùi, sơn, pin, nhiên liệu bẩn và thùng chứa nhiên liệu bị vỡ là những thứ nguy hiểm. Hãy liên hệ với chính quyền địa phương để được hỗ trợ xử lý nhằm phòng tránh nguy hiểm;
- Hãy mặc đồ bảo hộ trong khi lau dọn, bao gồm găng tay cao su và ủng cao su. Bạn cần đảm bảo thực phẩm và nước uống của bạn an toàn để sử dụng. Vứt bỏ những thứ đã từng tiếp xúc với nước lũ, bao gồm đồ ăn hộp, chai nước, bộ muỗng đũa nhựa và núm vú cao su của em bé. Vứt bỏ mọi thứ khi không thể chắc chắn chúng an toàn. Liên hệ với trung tâm y tế cộng đồng ở địa phương để kiểm tra xem nguồn nước chỗ bạn có bị nhiễm bẩn không. Bạn có thể sẽ phải lọc hay đun sôi nước trước khi sử dụng. Không được dùng nước bị nhiễm bẩn để rửa chén, đánh răng, nấu ăn, rửa tay, làm nước đá hay pha sữa em bé
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như trên, bạn có thể giúp bản thân và gia đình an toàn tối đa khi có sự cố thiên tai như lũ lụt, bão, động đất, sóng thần xảy ra trong diễn tiến môi trường thất thường ngày nay. Hãy cùng chia sẻ kiến thức này với cộng đồng của bạn nữa nhé!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!