Lạc nội mạc tử cung

Sức khỏe sinh sản - 11/24/2024

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ thuộc nội tiết Estrogen.

Mỗi lần hành kinh tôi đau bụng giữ dội, đi khám Bệnh viện Từ Dũ chẩn đoán tôi bị lạc nội mạc tử cung. Vậy xin hỏi, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh trên?

(Lê Trúc Đ. - TP.HCM)

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mà trong đó tổ chức tuyến hay mô đệm của nội mạc tử cung, lạc chỗ di chuyển có mặt ở ngoài buồng tử cung và gây bệnh; có thể xảy ra bất kỳ nơi nào trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là ở phúc mạc vùng chậu, dây chằng tử cung cùng, bề mặt buồng trứng hay mô đệm của buồng trứng.

Bệnh được mô tả từ năm 1800, nhưng sự hiểu biết về lạc nội mạc tử cung chỉ được thừa nhận trong thế kỷ qua, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, tại Pháp thì có khoảng 1 - 2% số phụ nữ mắc bệnh và có khoảng 15 - 20% phụ nữ phải cắt bỏ tử cung; có tới 50% bệnh liên quan đến vô sinh, có một số trường hợp thường biểu hiện lành tính, chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động, học tập; bệnh có thể khỏi hẳn khi người phụ nữ có thai và sẽ khỏi dứt điểm khi người phụ nữ mãn kinh, vì khi ấy buồng trứng không còn hoạt động nội tiết nữa.

Đây là một bệnh lý phụ thuộc nội tiết Estrogen, có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích về lạc nội mạc tử cung như:

- Sự chuyển dời lạc chỗ của mô lạc nội mạc tử cung, các tế bào lạc nội mạc tử cung di chuyển trong vòng trào ngược của máu kinh, trong vòng tuần hoàn toàn thân hoặc theo đường bạch huyết đến các vị trí khác ngoài buồng tử cung và ghép lên các vị trí đó.

- Giả thuyết về miễn dịch, giả thuyết về chuyển sản của biểu mô phúc mạc thành mô lạc nội mạc tử cung…

Lạc nội mạc tử cung

Về triệu chứng, người bị lạc nội mạc tử cung có thể biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau, tùy cơ quan mà tế bào nội mạc tử cung đi tới; chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung ở thận thì có triệu chứng đái ra máu, ở phổi có thể ho ra máu.

Tuy nhiên, phần lớn, lạc nội mạc thường xảy ra trong cơ tử cung và vùng bụng dưới, nên triệu chứng chủ yếu vẫn là đau bụng khi hành kinh, đau muộn vào ngày thứ hai hoặc ba của kỳ kinh và bệnh càng lâu ngày thì đau thường đau càng nhiều hơn; bệnh rất dễ chẩn đoán nhầm với một số trường hợp đau bụng ngoại khoa khác như đau dữ dội khiến bác sĩ ngoại khoa dễ nhầm với đau do viêm phúc mạc, đau hố chậu phải dễ nhầm với bệnh lý viêm ruột thừa...

Về chẩn đoán, thường dựa vào triệu chứng lâm sàng, nhưng được khẳng định qua nội soi và giải phẫu bệnh lý, nhất là trường hợp vô sinh kèm theo.

Về điều trị, hiện tại vẫn chưa có một giải pháp điều trị nào đem đến kết quả như mong đợi, trước mắt điều trị nội khoa vẫn là giải pháp căn bản, thuốc thường dùng thuộc nhóm Danazol với tên biệt dược là Anargil, liều dùng tùy theo mức độ tổn thương, thường uống 200 - 800mg /ngày, tối đa thời gian là 9 tháng, sau đó đánh giá lại kết quả; ngoài ra có thể dùng thuốc ngừa thai khác như: Orgametril, Duphaton, Norcolut, Primolut-N.. uống 1 - 2 viên ngày, uống ít nhất là 6 tháng, mục đích để ức chế hành kinh; tuy nhiên các nhóm thuốc trên cần được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý sử dụng, vì thuốc có nhiều tác dụng phụ.

Điều trị ngoại khoa, chỉ áp dụng khi bệnh nhân lớn tuổi hoặc không còn hy vọng có con, hay vì những tổn thương lạc nội mạc tử cung quá nặng.

Tóm lại, lạc nội mạc tử cung đến nay vẫn còn là một bí ẩn, chưa đến hồi kết thúc.

Bệnh biểu hiện thường đa dạng, trong đó đau bụng là triệu chứng thường gặp, đau vùng dưới rốn, đau theo chu kỳ kinh và có xu hướng tăng dần; đau khi giao hợp sâu, xảy ra trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt; ra máu bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt, có thể xảy ra ở ngoài cơ quan sinh dục và bệnh có liên quan đến tình trạng vô sinh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!