Một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh mimh họa: Đinh Hằng/TTXVN
Đối tượng mắc bệnh đều là trẻ đang học tại Trường Mầm non Phù Mỹ (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên) và Trường Mầm non Anh Đào ở Phường 4, thành phố Đà Lạt.
Cụ thể, tại Trường Mầm non Phù Mỹ, trong lớp Họa Mi 18 – 24 tháng tuổi có 11 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng, phải nghỉ học. Trường Mầm non Anh Đào từ ngày 14/9 có trên 50% số trẻ tại lớp Nhà trẻ 1 nghỉ học và ngày 16/9 có 31 trẻ nghỉ học. Trung tâm Y tế thành phố Đà Lạt đã xác minh trong những học sinh này có 13 trẻ đang học tại lớp Nhà trẻ 1 bị bệnh tay chân miệng; trong đó, trường hợp đầu tiên nghỉ học từ ngày 10/9, gia đình đưa đi khám bác sĩ tư, được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. Một số phụ huynh cho con đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư, vì vậy khó nắm thông tin để theo dõi quản lý. Đã có sự lây lan và xuất hiện chùm ca bệnh tay chân miệng ở Trường Mầm non Anh Đào…
Bác sĩ Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước tình hình trên, ngành Y tế hướng dẫn các gia đình trước đó đã tự mua thuốc về điều trị nhanh chóng đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị. Ngành cũng chỉ đạo Trường Mầm non Anh Đào tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng toàn bộ khuôn viên nhà trường; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Trung tâm Y tế thành phố Đà Lạt tham mưu cho Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho học sinh lớp Nhà trẻ 1 nghỉ học 10 ngày kể từ ngày 17/9; tiếp tục triển khai các hoạt động khám sàng lọc để phát hiện những ca mới, kịp thời thu dung và điều trị, không để bệnh lan rộng.
Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai các giải pháp phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo các địa phương thực hiện theo khử khuẩn tại trường lớp, nhất là cấp học mầm non; mỗi thầy cô giáo phải là một tuyên truyền viên, hướng dẫn các bậc phụ huynh phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế về phòng, chống dịch bệnh; tập trung theo dõi chặt chẽ, báo cáo kịp thời các ca nghi mắc bệnh để kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lan rộng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng, tính đến ngày 17/9, Lâm Đồng có 193 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 141 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019. Các ca bệnh tập trung thành các ổ bệnh tại trường học. Các đơn vị có số ca mắc tay chân miệng cao là huyện Lâm Hà có 40 trường hợp, thành phố Đà Lạt 34 trường hợp, huyện Đức Trọng 25 trường hợp, huyện Cát Tiên 17 trường hợp…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!