Phun xịt khử trùng tại các trường học. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Ngày 18/2, ông Đoàn Kim Đình - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết đang yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc Phòng Y tế thành phố 'nhầm lẫn' trong việc tiếp nhận số hóa chất đã đặt mua để phòng chống dịch COVID-19.
Trước đó, một số cơ quan báo chí thông tin về việc các đơn vị y tế thành phố Bảo Lộc đặt mua 1.000kg hóa chất khử trùng Cloramin B để phòng, chống dịch COVID-19, nhưng lại nhập kho và cấp phát hóa chất khử trùng Super-Chlor.
Cụ thể, ngày 17/2/2020, một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin về việc Phòng Y tế Bảo Lộc liên hệ với Công ty P.A (đóng tại xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để mua 1.000kg Cloramin B 70% hóa chất khử trùng phun xịt tiêu độc, vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Trong phiếu xuất kho của Công ty P.A ngày 8/2/2020 có nội dung công ty này đã xuất 1.000kg Cloramin B 70% (số lượng 25 thùng loại 40 kg/thùng).
Đơn vị ký nhận là Trung tâm Y tế và Phòng Y tế Bảo Lộc. Tuy nhiên trên thực tế, các đơn vị y tế ở Bảo Lộc lại nhận được 1.000kg hóa chất khử trùng nhãn hiệu Super-Chlor (Calcium Hypochlorite 70% min).
Sau đó Trung tâm Y tế Bảo Lộc chuyển đến lưu tại kho Trạm Y tế phường 2 (Bảo Lộc).
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Bảo Lộc, trong 1.000kg hóa chất khử trùng trên, đơn vị đã cấp phát cho đội y tế dự phòng và 11 trạm y tế xã, phường 360kg phun xịt tiêu độc khử trùng các khu vực công cộng, trường học và các khu công sở trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong lúc cấp phát thuốc cho các đơn vị, mặc dù biết hóa chất khử trùng vừa nhận là Super-Chlor nhưng trên bảng cấp phát hóa chất, Trung tâm Y tế Bảo Lộc vẫn ghi là Cloramin B 70%.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề này, ông Huỳnh Hải Nam - Trưởng phòng Y tế thành phố Bảo Lộc cho biết sau khi nhận được chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, đơn vị đã liên hệ với Công ty P.A đề nghị cung ứng số lượng hóa chất này. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà Công ty P.A đã chuyển nhầm chủng loại hóa chất và các nhân viên của Trung tâm Y tế và Phòng Y tế thành phố vẫn ký xác nhận.
Theo ông Nam, đơn vị chủ đầu tư là Phòng Y tế thành phố đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện việc thanh lý hợp đồng và thanh quyết toán nên chưa vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý chi tiêu ngân sách.
Sau khi một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin trên, dư luận nhân dân địa phương có thắc mắc: Liệu số hóa chất không đúng chủng loại đã sử dụng trên có ảnh đến sức khỏe của người dân sống trên địa bàn; có phát huy tác dụng trong công tác phòng chống COVID-19 như mục đích đề ra hay không?
Trả lời về vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Quốc Minh, phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng cho biết quy trình hướng dẫn phòng chống dịch bệnh COVID-19 đơn vị đã gửi tới các đơn vị y tế trên địa bàn toàn tỉnh không quy định sử dụng cụ thể một loại hóa chất nào để diệt khuẩn vệ sinh môi trường.
Các đơn vị có thể căn cứ tùy tình hình cụ thể để lựa chọn một loại hóa chất phù hợp theo quy định trong danh mục nhiều loại hóa chất tương đương.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 343/QĐ-BYT ngày 7/2/2020 của Bộ Y tế về 'Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona' có hướng dẫn cách pha chế Cloramin B 25% và Canxi HypoChloride 70%... sử dụng hiệu quả tương đương nhau. Do đó, có thể khẳng định về mặt chuyên môn thì 2 loại hóa chất này có thể sử dụng thay thế nhau mà không ảnh hưởng gì về mặt hiệu quả hay gây tác động phụ đến sức khỏe người dân.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, do đơn vị chủ đầu tư trong việc mua bán trên là Phòng Y tế, trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc nên trách nhiệm về quản lý Nhà nước không liên quan đến Sở.
Tuy nhiên, do trong lĩnh vực chuyên môn có sự tham gia của Trung tâm Y tế thành phố - đơn vị trực thuộc nên Sở đã cử cán bộ thanh tra xuống địa bàn kiểm tra sự việc trên.
Trên thị trường hiện nay, hóa chất Cloramin B hiện đang 'cháy hàng' và có giá cao hơn nhiều lần Super-Chlor./.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!