Làm sao để tránh ngộ độc rượu bia ngày Tết?

Dinh dưỡng - 04/20/2024

Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol >0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong

Rượu là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Những ngày này lượng rượu tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện do say, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhận định nguyên nhân của ngộ độc rượu là do người tiêu dùng uống vượt quá mức chấp nhận của cơ thể. Hoặc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).

Theo đó trong 1 'đơn vị rượu' thường có từ 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Cục cũng thông tin nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu.

Làm sao để tránh ngộ độc rượu bia ngày Tết?

Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu. Ảnh: Internet

Do đó để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, cần thực hiện các nguyên tắc sau:

- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

- Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

-Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần lưu ý từ ngày 01-01-2020, Luật phòng chống tác hại rượu bia chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm quan trọng của bộ luật này là nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, thay vì quy định ngưỡng nồng độ cồn trong máu như trước đây. Đồng thời mức xử phạt với người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở lên đến 40 triệu đồng.

Do đó để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, cũng như an toàn giao thông, người tiêu dùng nên lưu ý đã uống rượu bia thì không lái xe.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!