Làm sao nhận biết thuốc có chứa corticoid?

Cần biết - 04/20/2024

Corticoid là nhóm thuốc có tác dụng chống dị ứng, chống viêm và ức chế miễn dịch, được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.

Tuy nhiên, tôi không biết thuốc như thế nào là thuốc có chứa corticoid? Xin bác sĩ chỉ dùm.

Đỗ Ngọc (Bắc Ninh)

Bạn Đỗ Ngọc thân mến! Corticoid là nhóm thuốc có tác dụng chống dị ứng, chống viêm và ức chế miễn dịch, được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau: bệnh vảy nến, chàm và các bệnh viêm da dị ứng; sốc phản vệ hay mề đay...; hen phế quản và tắc phổi nghẽn mạn tính; hội chứng thận hư nguyên phát...; viêm đa khớp và thấp khớp cũng được điều trị bằng corticoid.

Ngoài ra còn điều trị một số bệnh lý về tiêu hóa, mắt, huyết học, bệnh ác tính...

Việc sử dụng loại thuốc này một cách hợp lý sẽ đem lại hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên nếu không biết cách sử dụng, sử dụng không đúng sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.

Để biết loại thuốc đang sử dụng có chứa corticoid hay không, cách tốt nhất là bạn đọc hướng dẫn sử dụng, xem mục các thành phần của thuốc bạn sẽ biết được thành phần đầy đủ của thuốc hoặc cách khác là bạn có thể hỏi ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ.

Thuốc có chứa corticoid nếu trong thành phần có những chất sau: hydrocortisone, prednisolone, prednisone, methylprednisolone, triamcinolone, fluocinolone, fluticasone; beclomethasone, betamethasone, dexamethasone...

Thông thường các corticoid thường có đuôi “sone” (“son”) hoặc “olone” (“olon”). Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ: budesonide

Một số loại thuốc thường gặp trên thị trường có thành phần là corticoid: Thuốc medrol chứa thành phần methylprednisolone, thuốc fucicort chứa thành phần betamethasone, thuốc điều trị hen symbicort chứa thành phần budesonide, thuốc flucinar chứa thành phần fluocinolone, thuốc nhỏ mắt polydexa chứa thành phần dexamethasone...

Việc nhận biết thành phần corticoid có trong thuốc để giúp bạn cẩn trọng trong việc sử dụng các loại thuốc này. Từ đó, sử dụng corticoid an toàn hợp lý hiệu quả, tránh được những tác dụng phụ nguy hiểm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!