Một nạn nhân bị sụp cung mày vì phẫu thuật thẩm mỹ (ảnh minh họa)
Liệt cơ trán, sụp cung mày
Hiện rất nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng cáo phương pháp làm đẹp – độn thái dương giúp trẻ hóa gương mặt chỉ sau 30 phút. Điều này khiến cho không ít chị em thậm chí cả những đấng mày râu tìm đến liệu pháp này như một cứu cánh níu giữ tuổi thanh xuân.
Và đã có không ít những biến chứng xảy ra. Mới đây nhất, khoa phẫu thuật thẩm mỹ BV E đã phải cấp cứu cho một người đàn ông đi độn thái dương tại một cơ sở thẩm mỹ không phép.
Tin lời quảng cáo trên mạng, người đàn ông này tìm đến cơ sở thẩm mỹ ở Cầu Giấy. Đẹp đâu chưa kịp nhìn thấy, sau thời gian dài 'vật lộn', nhân viên ở cơ sở thẩm mỹ buộc phải đưa anh đến viện cấp cứu vì máu chảy nhiều, sưng phồng một bên thái dương.
Ths. Bs Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa phẫu thuật, BV E cho biết, đây không phải là trường hợp hiếm mà anh từng phải cấp cứu. Tại khoa, các bác sĩ đã phải xử trí cho nhiều ca bị chảy máu.
'Tùy theo mức độ chảy máu chúng tôi theo dõi để xử trí, với các trường hợp chảy máu nhẹ tổn thương các tĩnh mạch hoặc động mạch nhỏ thì sau một thời gian băng ép thật chặt sẽ không còn chảy máu nữa, sau đó các bác sĩ có thể mở ra lấy máu tụ hoặc chọc hút máu ra.
Với các trường hợp chảy máu tiến triển hoặc tình trạng bệnh nhân có mất máu thì chúng tôi cần mở vết thương để thắt các mạch máu, đặc biệt là động mạch thái dương nông', BS Minh cho biết.
Mặc dù các bác sĩ chuyên khoa đánh giá, phẫu thuật tạo hình vùng thái dương không phải là phẫu thuật khó với các bác sĩ được đào tạo về Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ. Tuy nhiên với các cơ sở tự phát, người làm thậm chí không phải là bác sĩ thì dễ xảy ra yếu tố nguy cơ.
Thông thường tai biến xảy ra khi phẫu thuật tại vùng thái dương là chảy máu trong khi phẫu thuật, ngoài ra hiếm gặp hơn có thể gây liệt nhánh trán của thần kinh mặt gây liệt cơ trán làm mất nếp nhăn trán và sụp cung lông mày.
'Lý do là do giải phẫu khu vực thái dương có rất nhiều mạch máu và thần kinh. Cụ thể là hệ thống động mạch và tĩnh mạch thái dương, hệ thống mạch thái dương phân nhánh cấp máu cho toàn bộ da đầu và chia làm 2 lớp mạch nông sâu rồi tiếp nối với nhau, đa phần nếu chúng ta không nắm rõ giải phẫu, đường đi của mạch khi phẫu tích ở giữa 2 lớp nông sâu và làm đứt hệ thống mạch nối này gây chảy máu.
Trong khu vực này chúng ta còn có một nhánh thần kinh từ thần kinh mặt gọi là nhánh trán của thần kinh mặt chi phối vận động của cơ vùng trán, nếu tổn thương gây mất hoặc giảm chức năng của cơ trán làm cho trán bên đó mất nếp nhăn và cung mày sẽ hơi bị hạ thấp xuống', BS Minh cảnh báo.
Trẻ hóa khuôn mặt sau 30 phút là không có cơ sở
Theo các nhà giải phẫu, khuôn mặt – hình thái học chia làm 3 tầng: trên (trán-thái dương), giữa (mắt-mũi-má-gò má), dưới (môi-cằm) có tỷ lệ gần như bằng nhau.
Theo BS Minh, để có khuôn mặt đẹp, cân đối thì vai trò của các phần là như nhau. Phẫu thuật độn thái dương là phẫu thuật làm đầy đặn tầng trên của mặt nhằm làm cho vùng trán thái dương tròn đầy, cân đối so với các phần còn lại.
Hiện, phẫu thuật làm đẹp vùng thái dương có các phương pháp chủ yếu như: tiêm filler, ghép mỡ tự thân và cấy chất liệu độn bằng chất liệu nhân tạo.
Tuy nhiên, BS Nguyễn Đình Minh nhấn mạnh 'tất cả các phương pháp nêu trên đều phải được thực hiện tại các cơ sở phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ'.
Vị trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cũng lưu ý, phương pháp độn thái dương được quảng cáo rất nhiều hiện nay thường là phương pháp độn thái dương bằng chất liệu nhân tạo. Kỹ thuật này thông thường kéo dài từ 60-90 phút tùy theo phẫu thuật viên. Việc quảng cáo phẫu thuật 30 phút là không có cơ sở.
Bởi theo quy định hiện hành về cấp phép cho cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ phương pháp phẫu thuật độn thái dương bắt buộc phải được thực hiện tại cơ sở là Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ- được cấp phép của Sở Y tế các địa phương. Người thực hiện phẫu thuật này phải là các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Ngoài ra phương pháp ghép mỡ làm đầy vùng trán, thái dương thì bắt buộc phải làm tại bệnh viện, cụ thể là tại các khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ của bệnh viện như khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ BV E, BV ĐH Y, BV 108...
Để tránh những hậu quả đáng tiếc, bác sĩ Minh lưu ý có hai yếu tố quan trọng để thực hiện các phẫu thuật đặt thái dương nói chung và các phẫu thuật khác được diễn ra an toàn.
Thứ nhất người thực hiện phẫu thuật phải là các bác sĩ được đào tạo bài bản và có chứng chỉ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Thứ hai, nơi thực hiện phẫu thuật phải là những nơi có đủ điều kiện như là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc các khoa PTTH-TM của các bệnh viện lớn.
'Thông thường sau khi được tiếp cận những quảng cáo làm đẹp qua Facebook hay người thân, chúng ta cần kiểm tra thông tin trên trang Fanpage và trang web của cơ sở thẩm mỹ.
Theo đó, các cơ sở có phép bao giờ cũng đăng tải các dịch vụ kèm theo giấy phép hành nghề tên bác sĩ. Khi tới nơi, nếu là bệnh viện thì ta tìm khoa phẫu thuật tạo hình- thẩm mỹ, còn cơ sở tư nhân sẽ có các bảng màu vàng gắn bên ngoài ghi rõ số giấy phép hành nghề và tên bác sĩ. Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho bản thân khách hàng cũng có thể yêu cầu chủ cơ sở xuất trình giấy phép hành nghề hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ', BS Minh lưu ý.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!