Lơ là phòng bệnh, nhiều người tử vong vì bệnh dại, sốt xuất huyết

Thời sự - 05/03/2024

BS. Hồ Ngọc Gia – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, từ đầu năm đến nay số ca mắc SXH trên địa bàn tăng nhanh, hiện đã có 9.579 ca mắc trong đó đã có 2 ca tử vong.

Số ca mắc SXH năm 2019 tăng hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 3.179 ca. BS. Gia cho biết, bệnh SXH đang có xu hướng gia tăng ở các huyện KBang, Đắk Pơ, Pleiku và thị xã An Khê.

Để việc phòng chống bệnh SXH đạt hiệu quả, đơn vị đã cấp đầy đủ máy móc, hóa chất cho các địa phương và chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở nâng cao trách nhiệm nắm địa bàn, kịp thời xử lý những ổ bệnh có nguy cơ bùng phát. Tuy nhiên, ngoài việc phun hóa chất tại các vùng trọng điểm, rất cần sự tham gia tích cực của người dân trong công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy nhằm làm giảm nơi sinh sản của véc-tơ truyền bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chuyên gia cảnh báo, cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tránh bị muỗi đốt bằng việc thường xuyên ngủ màn, giữ vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát, không tồn lưu các dụng cụ chứa nước để hạn chế tối đa môi trường sống và sinh sôi của muỗi.

Lơ là phòng bệnh, nhiều người tử vong vì bệnh dại, sốt xuất huyết

Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN.

Đáng chú ý, tại Gia Lai, số ca mắc bệnh dại cũng có xu hướng gia tăng, đã có 8 ca mắc và đều tử vong, tập trung chủ yếu tại các huyện: Chư Sê, Chư Prông, Kbang…. Theo BS. Gia, số ca mắc dại ở Gia Lai đang ở top đầu của cả nước, các ca lên cơn dại đều tử vong do người dân không chịu đi tiêm phòng vắc xin dại khi bị chó cắn.

Qua điều tra dịch tễ, 100% các trường hợp tử vong đều không được tiêm vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 80%.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó mèo cắn để phòng chống bệnh dại. Cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh dại và có trách nhiệm quản lý đàn chó, mèo; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên động vật để giảm nguy cơ người bị dại do chó, mèo cắn… nhằm đạt được các mục tiêu Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại, phấn đấu loại trừ bệnh dại.

Về công tác tiêm chủng phòng bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho hay, hiện nay tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân là do những tháng đầu năm khu vực địa phương vào mùa nương rẫy, trẻ theo bố mẹ đi nương nên tỉ lệ trẻ bỏ mũi cao. Bên cạnh đó, nhiều trẻ tiêm vắc xin 5 trong 1 mới (CombeFive) có biểu hiện phản ứng sốt cao, phải nhập viện, đồng thời có nhiều thông tin về phản ứng sau tiêm chủng gây ra tâm lý lo ngại cho các phụ huynh.

Ngành y tế đã triển khai chiến dịch uống bại liệt vùng nguy cơ cao cho trẻ 1-5 tuổi trên 2 huyện Đức Cơ, Chư Prông đạt 96,58%. Triển khai chiến dịch tiêm phòng sởi- Rubella cho đối tượng 1-5 tuổi cho các huyện Đak Đoa, Mang Yang, Phú Thiện, Kông Chro, Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ và thành phố Pleiku thuộc vùng nguy cơ cao đạt tỉ lệ 96,1%.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!