Bệnh gút là một dạng viêm khớp đặc trưng bởi những cơn đau dữ dội, đột ngột, đỏ và sưng khớp. Bệnh có thể gặp ở cả hai giới nhưng nam dễ bị bệnh hơn nữ.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh gút, trong đó nguyên nhân chính là do nồng độ axit uric máu tăng cao. Ngoài ra, bệnh có thể do di truyền; chế độ ăn uống nhiều đạm (thịt bò, hải sản), dùng đồ uống có cồn hoặc có lượng đường cao; khả năng bài tiết axit uric của thận.
Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh gút, người bệnh có thể làm theo những lời khuyên dưới đây để giảm và ngăn ngừa triệu chứng của bệnh gút:
- Giảm béo, giảm cân từ từ để giảm nồng độ axit uric máu và giảm sức nặng cho các khớp. Không nên nhịn đói, bỏ bữa vì sẽ làm tăng axit uric máu.
- Hạn chế ăn nhiều đạm động vật như tạng động vật (gan, thận, lách, óc), cá trích, cá thu, cá trồng,...
- Hạn chế uống rượu bia. Tốt nhất là không nên uống rượu bia. Nếu uống thì hạn chế ở mức dưới 2 cốc/ngày đối với nam, 1 cốc/ngày đối với nữ.
- Uống nhiều nước (2-3 lít nước mỗi ngày), có thể uống thêm nước sôđa.
Ảnh minh họa
Điều trị
• Cơn gút cấp: giảm đau bằng các thuốc chống viêm phi steroid (NSAID) như: diclofenac, meloxicam, indomethacin, ibuprofen và naproxen.
• Trường hợp nặng: có thể dùng corticosteroid (như prednisone) hoặc tiêm cortisone vào khớp nhưng không tiêm quá 3 lần/năm.
• Khi cơn gút cấp đã được kiểm soát, ngăn ngừa bệnh tái diễn bằng allopurinol hoặc probenecid.
Đôi khi các bác sĩ kê đơn NSAID hoặc colchicine liều thấp dùng hàng ngày để ngăn chặn các cơn đau sau này.
Trong quá trình điều trị, bạn nên:
• Sử dụng thuốc theo đơn và chỉ dẫn của bác sĩ.
• Báo cho bác sĩ biết các loại thuốc và vitamin bạn đang sử dụng.
• Tuân thủ lịch tái khám do bác sĩ chỉ định.
• Thực hiện những lời khuyên về thay đổi lối sống như đã kể trên.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!