Lưu ý các tai nạn của trẻ trong ngày Tết

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Nghỉ Tết đối với trẻ là dịp được nghỉ học, vui chơi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn ảnh hưởng tới sức khỏe.

Thời gian nghỉ Tết, các bậc phụ huynh quá bận rộn nên khó để mắt đến bọn trẻ. Vì vậy, nhiều tai nạn không mong muốn có thể xảy ra. 

1.Trẻ bị bỏng

- Bỏng nước nóng: Đây là tai nạn thường gặp nhất khi trẻ ở nhà. Trẻ có thể vô ý đụng vào phích đựng nước sôi, nồi canh mới nấu, ấm trà mới pha, chơi gần nồi bánh chưng đang luộc.... 

- Bỏng bàn là: Tết cũng là thời điểm chưng diện của mọi người. Khi bố mẹ ủi đồ, là quần áo, có thể trẻ sẽ chơi gần đó, vô tình đụng phải bàn là dẫn đến bị bỏng. Hoặc có thể là do người lớn đang là quẩn áo dở, vẫn cắm điện bàn là, trẻ đi qua, chạm vào bàn là nên bị bỏng.

- Bỏng do hương, đèn dầu, nến: Ngày Tết, trẻ có thể cùng ông bà, bố mẹ lại gần khu vực thờ cúng để thắp hương cúng Tổ tiên. Nếu người lớn không chú ý, có thể bị bỏng từ những đồ thờ cúng.

Trong trường hợp này, phụ huynh cần ngâm vùng da bị bỏng vào nước sạch mát khoảng 15-30 phút. Hoặc có thể để vùng da bị bỏng dưới vòi nước, xả nhẹ nhàng dưới vòi nước làm mát vùng da bị thương. Sau đó đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc vết bỏng tốt hơn.

2.Hóc dị vật

- Hóc đồ ăn: Ngày Tết, những món bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí, thạch, mứt thường được các gia đình trang trí, bày biện đẹp mắt để tiếp khách.

Trẻ con dễ bị hóc kẹo, hóc thạch... nếu ăn vội vàng, ăn miếng to hoặc cười nói khi ăn gây nguy hiểm tới sức khỏe. Đã có nhiều trường hợp hóc thạch rau câu được cảnh báo. 

Do vậy bố mẹ cần cho trẻ ăn trực tiếp, bóc tách, hướng dẫn trẻ cách ăn nhỏ, từ từ, không ngậm trong miệng, không chạy nhảy, cười đùa trong khi ăn để tránh bị sặc, hóc đồ ăn.

Lưu ý các tai nạn của trẻ trong ngày Tết

Cha mẹ cần chú ý tới trẻ trong ngày Tết để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ảnh minh họa nguồn Internet.

3.Nổ bóng bay

Bóng bay là loại đồ chơi được nhiều trẻ em ưa chuộng, không phân biệt giới tính, tuổi tác.

Có rất nhiều tai nạn bỏng xảy ra do bóng bay bị nổ. Bóng bay thường được bơm hydro hoặc actile để bóng được căng tròn và bay cao. 

Các loại khí này rất nhạy cảm với cháy nổ. Khi bị nổ bóng bay, gây ra nhiều vết bỏng từ nhẹ tới nặng. Thông thường, các vết bỏng do nổ bóng bay thường nguy hiểm và lâu lành sẹo.

Khi sản xuất bóng bay, nhà sản xuất thường hay pha màu để tạo được màu sắc bắt mắt. Cha mẹ nên tránh cho trẻ ngậm, thổi hay trực tiếp cầm bóng. 

Hành động này sẽ khiến chất màu thôi ra tay, nếu trẻ ngậm hoặc mút tay sẽ nguy hiểm cho trẻ vì các loai màu công nghiệp không tốt cho sức khỏe.

4.Tai nạn giao thông

Tết cũng là thời điểm người người nhà nhà đi thăm viếng, chúc Tết. Với tư tưởng ngày Tết, cái gì cũng thoải mái nên người lớn có thể uống rượu bia nhiều hơn một chút rồi vẫn điều khiển các phương tiện tham gia giao thông. 

Hoặc có những cha mẹ lấy lý do ngày Tết nên không đội mũ bảo hiểm, và cũng quên luôn việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ. 

Dịp Tết cũng là dịp các trường hợp tai nạn giao thông tăng nhiều. Để đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho bản thân và người khác, phụ huynh cần đội mũ bảo hiểm cho bản thân và trẻ con khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện.

Phụ huynh không nên sử dụng rượu bia, tuân thủ luật giao thông khi tham gia giao thông trên đường để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Trần Huyền

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!