Bệnh thường làm trẻ ngứa ngáy, khó chịu, ăn ngủ kém hay quấy khóc gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và cũng là nỗi bận tâm lớn với các bậc phụ huynh. Chính vì vậy khi trẻ bị nấm da đầu cần được phát hiện sớm và sử dụng thuốc đúng cách.
Vì sao trẻ dễ bị nấm da đầu?
Nấm đầu là loại nấm da nông phát sinh ở da đầu, tóc. Biểu hiện là đầu có nhiều vảy kết thành đám, rất ngứa, tóc gãy và có các chấm đen nhỏ, hình dáng cánh bướm vàng và mùi khai như nước tiểu. Trẻ nhỏ dễ phát bệnh, lây truyền mạnh, thường gặp nhiều ở vùng nông thôn.
Một số nguyên nhân gây ra nấm da đầu ở trẻ có thể kể đến như do các vi sinh vật xâm nhập vào da đầu, phát triển dần và lan rộng; do trẻ lây từ người khác bị mắc nấm da đầu qua tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng chung các vật dụng như lược, mũ, chăn gối...; hoặc do lây lan từ động vật sang trẻ như chó, mèo...
Khi bị nấm da đầu trẻ có thể có các biểu hiện như thấy ngứa ở vùng đầu, thường xuyên gãi đầu, với trẻ nhỏ hơn thì hay quấy khóc. Các bậc cha mẹ có thể thấy tóc trẻ rụng nhiều hoặc với thể nấm thân tóc (trứng tóc) trên tóc có những hạt tròn bằng hạt kê, màu nâu sẫm hoặc đen, có thể dùng ngón tay tuốt ra như trứng chấy.
Da đầu có sự thay đổi với các dấu hiệu như da bị mẩn đỏ, có các mảng nấm với kích thước và màu sắc khác nhau có thể có hiện tượng bong vảy, một số trường hợp vùng da tổn thương có thể phù nề và rất đau, nếu lâu ngày không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng viêm loét và chảy mủ.
Cần dùng thuốc corticosteroid xịt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Các thuốc thường dùng khi trẻ bị nấm da đầu
Thuốc bôi và thuốc uống: Các thuốc điều trị nấm da đầu thường được các bác sĩ chỉ định như ketoconazol, itraconazol, griseofulvin. Các thuốc này có tác dụng trị nấm tóc, nấm da, nấm móng do Epidermophyton, Trichophyton và Microsporum gây ra. Ketoconazole là một thuốc kháng nấm nhóm azol, hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của nấm trong cơ thể.
Tác dụng diệt nấm của ketoconazol ở nồng độ cao có thể là do tác dụng hóa lý trực tiếp của thuốc trên màng tế bào nấm. Itraconazol là một chất triazol tổng hợp chống nấm, có tác dụng với nhiều loại nấm khác nhau như nấm candida, nấm móng chân, tay, nấm Blastomyces phổi và ngoài phổi, nấm Histoplasma... Griseofulvin là kháng sinh kháng nấm lấy từ penicillium griseofulvum hoặc từ các penicillium khác. Tác động của griseofulvin đối với nấm là do khả năng ức chế sự phân chia tế bào ở kỳ giữa hoặc cản trở sự nhân đôi DNA của nấm.
Các loại thuốc này phần lớn được sử dụng dưới dạng bôi tại chỗ vùng da đầu, tuy nhiên một số trường hợp bệnh nặng hơn cần kết hợp cả thuốc uống và thuốc bôi nhưng phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Dầu gội đầu: Các loại dầu gội trị nấm như nizoral, haicneal giúp giảm ngứa, ngăn ngừa rụng tóc, kích thích mọc tóc cho trẻ.
Lưu ý về dùng thuốc chữa nấm da đầu cho trẻ
Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng trên các bậc cha mẹ không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ mà cần đưa trẻ tới khám tại chuyên khoa da liễu vì việc chẩn đoán xác định nấm da đầu không dễ dàng, đôi khi phải dựa vào cả triệu chứng và kết quả xét nghiệm mới khẳng định được. Ngoài ra cũng cần phân biệt nấm da đầu với các bệnh lý khác như chốc lở, viêm chân tóc, á sừng do liên cầu, bệnh lupus ban đỏ...
Các thuốc chống nấm thường được sử dụng trong thời gian từ 2 - 4 tuần và cần tiếp tục dùng thuốc vài ngày sau khi tất cả triệu chứng đã biến mất để ngăn ngừa tái phát.
Bố mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi bôi thuốc cho trẻ, nên bôi một lớp kem mỏng ở vùng da bị tổn thương ngày 2 lần, tránh để thuốc tiếp xúc với mắt, mũi hoặc miệng của trẻ.
Các thuốc chữa nấm đường uống có một số tác dụng phụ như dị ứng, chóng mặt, buồn nôn, ảnh hưởng đến chức năng gan thận nên các bậc cha mẹ cần thận trọng không tự ý dùng cho trẻ nếu chưa có hướng dẫn của bác sĩ, và cần báo lại ngay cho bác sĩ nếu thấy xuất hiện các tác dụng phụ này.
Bên cạnh đó, cần vệ sinh sạch sẽ vùng da đầu hàng ngày cho trẻ. Nên cắt tóc gọn gàng để việc gội đầu cho trẻ được sạch hơn và thuận lợi cho việc dùng thuốc tại chỗ, với bé trai tốt nhất là cắt trụi tóc. Lau khô đầu sau khi gội và để đầu khô thoáng, không nên đội mũ. Ngoài ra cũng cần vệ sinh chăn gối, khăn lau đầu và dụng cụ dùng cho trẻ.
Nấm đầu là bệnh dễ tái phát vì vậy cần chữa trị triệt để, tránh điều trị nửa chừng thấy bệnh giảm là ngừng thuốc. Nên cho trẻ tái khám theo hẹn để bác sĩ xác định chắc chắn bệnh đã khỏi. Để phòng bệnh tái phát, các bậc cha mẹ cần giữ vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, đảm bảo da đầu trẻ luôn khô, thoáng, tránh ẩm ướt và vệ sinh môi trường sống để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!