Lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc trị viêm tai giữa cấp ở trẻ

Làm mẹ - 11/24/2024

Viêm tai giữa cấp (AOM) hay còn gọi là viêm tai giữa mủ xảy ra thường xuyên ở trẻ em. Đây là một bệnh phổ biến nhất được kê kháng sinh và các thuốc khác điều trị triệu chứng.

Viêm tai giữa cấp (AOM) hay còn gọi là viêm tai giữa mủ xảy ra thường xuyên ở trẻ em. Đây là một bệnh phổ biến nhất được kê kháng sinh và các thuốc khác điều trị triệu chứng. Việc theo dõi điều trị và dùng thuốc phải rất nghiêm ngặt, nếu không thì bệnh sẽ kéo dài và có biến chứng nghiêm trọng.

Các thuốc điều trị triệu chứng

Giảm đau toàn thân và tại chỗ: Sử dụng ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau trong AOM. Có thể thay thế bằng benzocain, procain, lidocain nhỏ tại chỗ với trẻ từ 2 tuổi trở lên với điều kiện màng nhĩ chưa thủng. Nhỏ tại chỗ những thuốc tê này không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi vì nguy cơ thiếu máu do MetHemoglobin.

Thuốc chống sung huyết và kháng histamin:Đối với trẻ em bị AOM và có hoặc nghi ngờ viêm mũi dị ứng thì có thể cân nhắc cho một thuốc chống sung huyết mũi và kháng histamin để giải quyết triệu chứng tại mũi. Nhưng cần thiết cân nhắc thật kỹ, so sánh lợi ích với những tác dụng ngoại ý và khả năng kéo dài thời gian chảy dịch tai giữa của kháng histamin.

Đối với trẻ không có viêm mũi dị ứng kèm theo thì không nên dùng các thuốc chống sung huyết và kháng histamin trong điều trị triệu chứng AOM. Do việc sử dụng thuốc chống sung huyết và kháng histamin đơn độc hay phối hợp làm gia tăng tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, việc sử dụng kháng histamin còn làm kéo dài hiện tượng chảy dịch tai giữa.

Lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc trị viêm tai giữa cấp ở trẻ

Liệu pháp kháng sinh

Dùng kháng sinh phải phụ thuộc vào tuổi của trẻ và độ nặng của bệnh.Với trẻ dưới 6 tháng tuổi cần điều trị kháng sinh ngay. Với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi bị AOM hai bên thì điều trị kháng sinh ngay. Nếu bị một bên mà triệu chứng nhẹ thì cho phép theo dõi trong khoảng từ 48-72 giờ.

Với trẻ trên 2 tuổi dùng kháng sinh ngay khi có dấu hiệu nhiễm độc, đau tai dai dẳng trên 48 giờ, có sốt trên 39 độ trong vòng 48 giờ trước, bị cả hai tai hoặc có chảy mủ, không đảm bảo trong việc theo dõi.

Lựa chọn kháng sinh: Dùng amoxicillin nếu trong vòng 1 tháng qua trẻ không dùng kháng sinh nhóm betalactam, không có tiền sử AOM tái phát và không có bị viêm kết mạc mủ kèm theo. Amox-clav cho những trẻ trong vòng 1 tháng có dùng kháng sinh nhóm betalactam, có viêm kết mạc mủ kèm theo, có tiền sử viêm tai giữa tái phát. Nếu trẻ dị ứng penicillin thì có thể dùng cefdinir hoặc cefpodoxim...

Các quinolon (ofloxacin, ciprofloxacin) nhỏ tại chỗ có hiệu quả tương đương với đường uống trong trường hợp viêm tai giữa có chảy mủ và đặt ống thông nhĩ hầu và viêm tai giữa mạn tính. Không có nghiên cứu về việc nhỏ quinolon trong trường hợp AOM hoặc thủng màng nhĩ mới.

Theo dõi bệnh như thế nào?

Cần giải thích cho người chăm sóc trẻ hiểu rõ và đồng ý với các nguy cơ cũng như lợi ích của phương pháp theo dõi bệnh. Nếu các triệu chứng không cải thiện sau 48-72 giờ dùng kháng sinh thì cần được tái khám để bác sĩ tìm nguyên nhân khác gây ra tình trạng này hoặc cân nhắc đổi kháng sinh. Trẻ dưới 2 tuổi tái khám sau 8-12 tuần sau khi được chẩn đoán và điều trị (trong trường hợp bình thường). Có 80-90% trẻ dịch tai giữa sẽ rút hết sau khoảng thời gian này. Trẻ từ 2 tuổi trở lên mà có vấn đề về ngôn ngữ cũng như học tập cần tái khám sau 8-12 tuần kể từ ngày được chẩn đoán. Trẻ từ 2 tuổi trở lên mà không có vấn đề về ngôn ngữ hay học tập thì kiểm tra lại vào lần khám định kì tiếp theo hoặc càng sớm càng tốt nếu có hiện tượng giảm sức nghe dai dẳng. Mục đích của việc theo dõi này là để xem dịch trong tai giữa đã rút hết chưa. Dịch tai giữa là nguyên nhân phổ biến của điếc dẫn truyền. Thường dịch tai giữa rút hết sau nhiều tuần tới nhiều tháng.

Trong trường hợp thủng màng nhĩ:Bình thường màng nhĩ sẽ liền nhanh chóng sau vài giờ đến vài ngày. Nếu hiện tượng đau tái phát hoặc dai dẳng thì cần tìm nguyên nhân gây đau khác ngoài AOM, vì một khi màng nhĩ đã thủng, áp lực tai giữa đã giảm thì trẻ không còn đau nữa. Nếu còn đau thì có thể là nguyên nhân khác như: nhiễm khuẩn lan rộng như viêm xoang chũm; viêm tai ngoài do dịch chảy từ tai giữa... Trong các trường hợp này thì kháng sinh nhóm quinolon nhỏ có thể có lợi.

Khi điều trị nội khoa thất bại:Là khi các triệu chứng trở nên xấu hơn hoặc không cải thiện sau 48-72 giờ dùng kháng sinh. Trong trường hợp thất bại do điều trị chưa đầy đủ hợp lý thì đổi kháng sinh. Ví dụ như khi đang dùng amoxicillin liều cao mà không hiệu quả thì đổi sang amox-cla liều cao. Nếu thất bại với amox-cla thì có thể thay thế bằng các cephalosporin hoặc quinolon...

Khi AOM tái phát:AOM tái phát được định nghĩa là có sự xuất hiện các triệu chứng của AOM sớm sau khi đã điều trị thành công trước đó, việc điều trị AOM tái phát nên bao phủ hết các tác nhân kháng thuốc, đặc biệt là phế cầu kháng thuốc. Khi AOM tái phát trong vòng 15 ngày kể từ khi kết thúc liệu trình kháng sinh trước đó. Kháng sinh được lựa chọn sẽ là ceftriaxone, levofloxacin.Nếu AOM tái phát sau 15 ngày kể từ khi hoàn tất liệu trình kháng sinh đợt trước thì thường đó là do tác nhân khác chứ không phải do vi khuẩn của đợt bệnh trước. Ở trường hợp này, mặc dù trẻ có nguy cơ cao mắc phải vi khuẩn không điển hình nhưng chúng tôi vẫn khuyến cáo điều trị khởi đầu với amox-clav, thậm chí đợt trước trẻ đã được dùng kháng sinh này rồi. Đặt ống thông nhĩ hầu khi tái phát 3 lần trong vòng 6 tháng hoặc 4 lần trong vòng 12 tháng.

Lời khuyên thầy thuốc

Điều trị viêm tai giữa cấp thường phức tạp và dễ tái phát nếu không được sử dụng đúng thuốc và điều trị đúng phác đồ. Do đó, để tránh các biến chứng, bệnh nhân cần đi khám đúng chuyên khoa tai - mũi - họng. Khi được kê đơn thuốc điều trị, người bệnh cần tuân thủ liệu pháp điều trị cũng như liệu pháp theo dõi chặt chẽ mà bác sĩ đề ra.

Trong quá trình dùng thuốc, cần theo dõi những bất thường có thể xảy ra, ví dụ như ban đỏ, nổi mẩn, buồn nôn, nôn... (vì đây có thể là những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc) và thông báo cho bác sĩ biết.

BS.Trần Văn Công

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!