Đã tới mùa Hè, trẻ tạm dừng việc học tập ở trường để tận hưởng kỳ nghỉ. Nhưng lúc này, việc cho trẻ vui chơi như thế nào vừa bổ ích, hiệu quả, vừa đảm bảo sự an toàn là một vấn đề khiến các bậc phụ huynh đau đầu.
Bởi lẽ, khác với lúc ở nhà, khi trẻ chơi ở bên ngoài sẽ có nhiều nguy cơ khó lường. Các ông bố bà mẹ hãy tham khảo một vài thông tin sau để trẻ có thể vui chơi bên ngoài một cách an toàn nhé.
Một số nơi trẻ có thể tham gia hoạt động ngoài trời:
Công viên: Trẻ cần được tạo điều kiện chơi đùa trong công viên hay ở sân chơi, vì đó là một phần trong quá trình phát triển của trẻ. Do đó, bạn nên lưu ý đến những mối nguy hiểm có thể xảy ra như sân chơi không an toàn, cỏ dại, ao hồ, phân súc vật, mặt đường có nhiều đá sỏi… Hãy cho trẻ vui chơi trong khu vực được rào chắn cẩn thận và kiểm tra kỹ độ an toàn của các thiết bị vui chơi. Đừng quên dặn trẻ không được đến các khu vực cấm, hoặc ăn trái cây lạ.
Nghịch cát:Điều đầu tiên bạn cần làm là kiểm tra khu vực cát xem có mảnh vỡ thủy tinh hay vật sắc nhọn nào khác lẫn trong cát để con có thể an toàn đi chân trần và chơi một cách thoải mái. Khi con muốn nghịch cát, bạn hãy cùng con mang những đồ chơi kèm theo như xẻng, cào và các đồ xây dựng khác để tránh những rủi ro do những vật này gây ra cho con.
Bé Flynn chơi trên biển
Bơi lội (bể bơi hoặc tắm biển):Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Có một số biện pháp phòng tránh an toàn tiêu chuẩn được khuyến cáo, bao gồm: trông trẻ dưới sự giám sát liên tục, cho trẻ đi học bơi, biết cách hô hấp nhân tạo, hay nếu nhà có hồ bơi riêng thì phải có hàng rào hồ bơi… Luôn chắc chắn trẻ có áo phao khi đi trên tàu thuyền và các phương tiện giao thông đường thủy khác.
Dã ngoại/picnic:Khi trẻ đi chơi dã ngoại/picnic cùng bạn bè, trường lớp, mặc dù có thầy cô và người phụ trách trông nom nhưng bạn cũng nên xem lịch trình đi để có những chuẩn bị thật tốt cho trẻ, tránh khi sự cố xảy ra lại không có vật dụng, thuốc… cho trẻ khi cần.
Tắm nắng: Ngày nay, việc học hành hoặc sử dụng máy tính, điện thoại chiếm gần như hết thời gian của trẻ. Mặc dù trẻ rất cần được phơi nắng và hít thở không khí trong lành, nhưng bạn không nên cho trẻ phơi nắng quá nhiều. Bởi lẽ, cái nóng oi bức của mùa hè có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm, như: say nắng, phỏng da, đau đầu, thậm chí làm tăng nguy cơ bị ung thư da về sau. Trẻ càng trắng, nguy cơ ung thư da càng cao.
Bé Happer trên sân cỏ
Khi cho trẻ chơi ngoài trời, cần chú ý một số điều sau:
Không cho trẻ ra ngoài trời lúc nắng gắt từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Nên thoa kem chống nắng với chỉ số bảo vệ (SPF) nhỏ nhất là 15 để bảo vệ làn da của trẻ và khoảng 5- 6 giờ bôi 1 lần, đặc biệt là sau khi bơi (dùng kem chống nắng không tan trong nước).
Trẻ cũng có thể bị cháy nắng vào những ngày mây mù, do đó vào những ngày không nắng cũng nên thoa kem chống nắng cho trẻ nếu đi ra ngoài. Nên cho trẻ đeo loại kính bảo vệ mắt chống tia tử ngoại.
Khuyến khích trẻ chơi trong bóng râm, tránh xa nhưng nơi có ánh nắng phản chiếu như: mặt nước, mặt cát, tuyết, gương, kính…
Nếu trẻ bị cháy nắng: Hãy làm dịu bằng cách cho trẻ tắm nước ấm, đắp khăn ướt, thoa dung dịch có chất Calamine hay kem dưỡng da để làm dịu các vết phỏng. Không nên chọc vỡ các vết phỏng giộp. Cho trẻ uống nhiều nước, vì có thể trẻ bị mất nước. Giữ trẻ trong nhà cho đến khi lành bệnh. Nếu trẻ bị cháy nắng nghiêm trọng, có biểu hiện rùng mình, sốt hoặc ói mửa, hãy đưa trẻ đến bác sỹ ngay.
Bé Flynn
Và điều quan trọng nhất là bạn phải biết cách sơ cứu: Bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng nên tìm hiểu về việc sơ cứu cho trẻ. Những kiến thức cơ bản này có thể hữu dụng rất nhiều khi trẻ gặp rủi ro nào đó. Ví dụ như học cách cầm máu cho trẻ, làm thế nào để xử lý vết phỏng hay khi trẻ bị hóc xương hoặc thức ăn. Bạn có thể tham dự những khóa đào tạo sơ cứu cho trẻ để học thêm những kiến thức này.
Hãy bổ sung những thông tin trên để đảm bảo an toàn cho trẻ khi vui chơi ngoài trời, bạn nhé!
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!