Lưu ý phải biết để phòng cúm khi mang thai

Mang thai - 11/24/2024

Nhiễm cúm trong khi mang thai hiếm khi gây dị tật bẩm sinh, nhưng cũng có thể gây hại hơn bạn nghĩ.

Mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng của cúm như viêm phổi. Cách tốt nhất để có thai kỳ khỏe mạnh là cố gắng ngăn chặn hoàn toàn bệnh cúm.

Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm khi mang thai là gì?

Để phòng ngừa bệnh cúm, hãy tiêm chủng. Vắc-xin phòng cúm là phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm bệnh. Nếu đang mang thai, bạn nên tiêm chủng và điều này không phụ thuộc bạn đã mang thai bao lâu. Thậm chí ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ cũng không quá muộn. May mắn là việc bạn mang thai không làm tăng nguy cơ mắc cúm ở mẹ bầu so với những người phụ nữ cùng tuổi mà không có bầu.

Ngoài việc bảo vệ bạn khỏi bệnh cúm, việc tiêm phòng cúm khi mang thai sẽ bảo vệ trẻ không bị cúm trong vòng 6 tháng sau sinh. Điều này đặc biệt quan trọng vì việc tiêm phòng cúm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi là không an toàn.

Lưu ý phải biết để phòng cúm khi mang thai

Bà bầu mắc cúm có thể gây nguy hiểm cho thai nhi

Tiêm phòng cúm có gây nguy hiểm khi mang thai không?

Tiêm phòng cúm không chứa vi-rút sống và không thể khiến bạn mắc bệnh cúm. Một số phụ nữ bị mệt mỏi và đau nhức cơ bắp do hệ miễn dịch của họ đáp ứng với vắc-xin. Ngoài ra, tiêm phòng cúm cũng an toàn trong thời gian nuôi con bú. Việc này không làm cho bạn hoặc bé bị bệnh. Vắc-xin sẽ cần khoảng 2 tuần để bắt đầu có tác dụng. Vắc-xin phòng cúm dạng xịt qua đường mũi không nên sử dụng cho phụ nữ mang thai.

Làm cách nào để điều trị các triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm trong thai kỳ?

Nhiều thuốc trị cúm và cảm lạnh chưa được nghiên cứu kỹ trong thai kỳ. Nếu bạn đang mang thai và mắc cúm, hãy hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ khi dùng bất cứ loại thuốc không cần đơn hoặc kê đơn.

Phương pháp điều trị triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm bác sĩ có thể khuyến nghị bạn khi mang thai gồm:

- Acetamonophen: cách điều trị ưa dùng cho sốt, đau nhức của cúm và cảm lạnh trong thời kỳ này.

Lưu ý phải biết để phòng cúm khi mang thai

Khi bị cúm, bạn nên hỏi bác sĩ cách điều trị và dùng thuốc

- Xịt nước muối vào mũi hoặc rửa mũi.

- Pseudoephedrine: thuốc thông mũi có thể hữu ích cho một số người. Tránh dùng pseudoephedrine trong 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc nếu bị cao huyết áp.

Một số phương pháp tự nhiên để điều trị triệu chứng cúm trong thời kỳ mang thai là gì?

Hãy thử 4 biện pháp điều trị cúm tự nhiên trong thời kỳ mang thai:

- Sử dụng viên ngậm có đường hoặc mật ong để giảm ho và viêm họng.

- Nghỉ ngơi thật nhiều.

- Uống nhiều nước, như nước khoáng, nước hoa quả và trà không chứa cafein.

- Đặt máy làm ẩm không khí trong phòng để tăng độ ẩm, có thể giúp giảm tình trạng nghẹt mũi.

Làm cách nào để ngăn ngừa cúm khi mang thai?

Tiêm phòng cúm để ngăn ngừa lây nhiễm. Không dùng vắc-xin phòng cúm dạng xịt vì chúng không được khuyên dùng cho phụ nữ mang thai.

Để ngăn ngừa việc tiếp xúc với vi-rút cúm khi mang thai, bạn cần:

Lưu ý phải biết để phòng cúm khi mang thai

Dù đã mang thai, bạn vẫn có thể tiêm phòng cúm để bảo vệ thai nhi

- Rửa tay thường xuyên.

- Tránh nơi đông người.

- Tránh tiếp xúc với người bị cảm lạnh.

- Không chạm tay lên mắt, mũi hay miệng. Mầm bệnh thường lây lan khi bạn chạm tay vào một bề mặt bị ô nhiễm và sau đó lại sờ lên mắt, mũi hay miệng.

Ngoài ra, hãy đến khám bác sĩ nếu bạn có dấu hiệu:

- Khó thở.

- Các triệu chứng không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn sau 3-4 ngày.

- Sau khi cảm thấy tốt hơn một chút, bạn lại xuất hiện những dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Một số dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn gồm trướng bụng, nôn, sốt cao, ớn lạnh, đau ngực, hoặc ho dữ dội, đờm màu vàng - xanh.

Ảnh minh họa: Internet

Vân Doãn (Webmd)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!