Các nghiên cứu cho thấy, số lần đi khám, cấp cứu, lượng thuốc sử dụng và tỷ lệ tử vong do hen đều tăng lên rõ rệt trong mùa cúm ở những người bệnh hen. Ngoài ra, các tổn thất cũng như những phiền toái do cúm gây ra ở người bệnh hen đều cao hơn so với những người không mắc bệnh.
Chính vì vậy, các nhà khoa học đã rất nỗ lực tìm kiếm các biện pháp nhằm làm giảm tỷ lệ mắc cúm ở những người bệnh hen. Tiêm phòng vắc-xin cúm là một trong những biện pháp đầu tiên được nghĩ đến.
Trước đây đã có những nghi ngờ về khả năng vắc-xin cúm có thể gây tăng sức cản đường thở và dẫn đến các cơn hen cấp. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trong các vụ dịch cúm gần đây cho thấy, việc tiêm phòng vắc-xin cúm không làm tăng số cơn hen như những mối nghi ngại này.
Một mối quan tâm khác đối với việc tiêm phòng vắc-xin cúm là liệu việc dùng glucocorticoid trong điều trị hen có làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với vắc-xin cúm hay không.
Việc tiêm phòng vắc-xin cúm không làm tăng số cơn hen (Ảnh minh họa: Internet)
Một số nghiên cứu có quy mô lớn gần đây đã chứng minh rằng, việc dùng các thuốc glucocorticoid đường uống, tiêm truyền ngắn ngày hoặc đường hít đều không làm ảnh hưởng đáng kể đến khả năng kích thích sinh miễn dịch của vắc-xin cúm.
Tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vắc-xin cúm đối với những người bệnh hen cũng là một vấn đề rất được quan tâm. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả nước ngoài, những bệnh nhân hen được tiêm phòng vắc-xin cúm có số lần đi cấp cứu vì hen cũng như lượng thuốc điều trị hen tiêu thụ thấp hơn đáng kể so với những bệnh nhân không được tiêm phòng.
Ngoài ra, tỷ lệ xảy ra các tai biến do tiêm phòng vắc-xin cúm ở những người bệnh hen cũng không cao hơn so với những người khoẻ mạnh. Do sự an toàn và những lợi ích mà vắc-xin cúm đem lại cho người bệnh hen, vắc-xin này đã được khuyến cáo sử dụng cho những người bệnh hen trên 65 tuổi và trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi.
Để đảm bảo hiệu quả, vắc-xin cúm nên được tiêm nhắc lại hàng năm vào trước mùa cúm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!