Lý giải nguyên nhân mổ thoát vị đĩa đệm thất bại

Cần biết - 11/24/2024

Quá trình phẫu thuật chỉ tác động lên một phần nhỏ là các đĩa đệm nên trong nhiều trường hợp không thể xử lý được vấn đề cốt lõi của bệnh.

Mẹ tôi năm nay 60 tuổi, bị thoát vị đĩa đệm L4,5, đã mổ nhưng không thành công. Tiếp tục mổ lần thứ hai nhưng mẹ vẫn không hết đau, giờ đi lại rất khó khăn.

Gần đây tôi đưa mẹ đến một bệnh viện chấn thương chỉnh hình, bác sĩ chỉ định phẫu thuật thay 4 đĩa đệm. Mổ và uống thuốc đã được hơn một tháng mà mẹ tôi vẫn chưa hết đau và chưa đi lại bình thường được. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên, tại sao mổ rồi mà không thành công? Có cách nào để mẹ hết đau đớn và đi lại trở lại bình thường được như trước? (Nga).

Lý giải nguyên nhân mổ thoát vị đĩa đệm thất bại

Ảnh minh họa: Womenshealth.

Trả lời:

Chào bạn,

Tôi rất lấy làm tiếc về việc mẹ bạn đã phải tiến hành phẫu thuật rất nhiều lần trong thời gian ngắn mà không cải thiện được tình trạng bệnh. Đây là vấn đề không may thường xảy ra đối với các ca phẫu thuật ở khu vực lưng như thoát vị đĩa đệm, lồi đĩa đệm…

Trong y khoa, vấn đề này gọi là hội chứng phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thất bại, tức là các cơn đau vẫn tiếp tục trở lại sau khi mổ do bản chất của các vấn đề gây ra cơn đau chưa được giải quyết triệt để trong quá trình phẫu thuật.

Hầu hết bác sĩ phẫu thuật nghĩ rằng nguồn gốc của căn bệnh thoát vị đĩa đệm là do các đĩa đệm có vấn đề. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa lại bắt nguồn từ các cơ bắp xung quanh phần đĩa đệm bị chèn ép và có quá nhiều áp lực, bị bó chặt lại gây áp lực lớn lên các đĩa đệm làm cho chúng không thể chuyển động một cách bình thường, các dây thần kinh cũng bị chèn ép. Sự chèn ép toàn bộ phần lưng dưới bao gồm các cơ, xương và dây thần kinh là nguyên nhân gây đau.

Quá trình phẫu thuật chỉ tác động lên một phần nhỏ là các đĩa đệm nên trong nhiều trường hợp không thể xử lý được vấn đề cốt lõi của bệnh. Ngay cả khi các đĩa đệm đã được xử lý vẫn không có được sự chuyển động đúng cách và sự linh hoạt cần thiết khiến tình trạng bệnh đôi lúc còn trở nên nặng nề hơn.

Sẽ rất khó khăn trong việc điều trị cho trường hợp của mẹ bạn bởi đã trải qua 2 lần phẫu thuật không thành công và một lần thay 4 đĩa đệm mà cơn đau vẫn quay trở lại.

Hệ cột sống của mẹ bạn đã thay đổi sau quá trình phẫu thuật và các đĩa đệm sẽ không còn ở trong tình trạng tốt như ban đầu. Quan điểm của các chuyên gia nắn chỉnh thần kinh cột sống là cần rà soát lại những vấn đề chưa được giải quyết trong quá trình phẫu thuật ví dụ như các phần cơ bắp xung quanh đĩa đệm, từ đó tìm ra xuất phát điểm của các cơn đau.

Chẳng hạn, khi bệnh nhân bị đau ở chân, nguyên nhân của các cơn đau thường không xuất phát từ chân mà có thể do những chèn ép và mất cân bằng ở phần hông và lưng dưới. Khi cơ bắp xoắn chặt lại và chèn ép lên các dây thần kinh ở đĩa đệm, chân của họ sẽ cảm thấy tê hoặc bị đau, khó khăn trong khi di chuyển. Lúc ấy, các bác sĩ thần kinh cột sống sẽ tiến hành nắn chỉnh ở phần hông.

Các nắn chỉnh này tác động đến những khu vực cơ bắp riêng biệt kéo dài từ vùng cột sống đến hông giúp giải phóng các áp lực trên phần cơ bắp. Nhờ đó đem lại sự cân bằng cho hông và lưng của bệnh nhân, đồng thời giúp giảm triệu chứng đau.

Để tôi có thể chẩn đoán cụ thể hơn, bạn vui lòng chia sẻ hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) mới nhất của mẹ. Dựa vào những hình ảnh ấy, tôi sẽ đánh giá, chẩn đoán và đưa ra một kế hoạch cụ thể để điều trị các vấn đề chưa được giải quyết trong các cuộc phẫu thuật trước đây.

Trường hợp của mẹ bạn thực sự là một ca phức tạp. Tuy nhiên, với kinh nghiệm 10 năm chữa bệnh về thần kinh cột sống, tôi đã điều trị tỷ lệ thành công cao cho nhiều bệnh nhân từng mổ thoát vị đĩa đệm thất bại. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định nắn chỉnh thần kinh cột sống là một phương pháp hiệu quả nhằm đem lại hệ thần kinh cột sống khỏe mạnh và cải thiện các vấn đề liên quan đến thần kinh cột sống như đau lưng, thoát vị đĩa đệm, lồi đĩa đệm tương tự như trường hợp của mẹ bạn.

Thân ái.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!