Mắc bệnh dại từ vết cào của mèo

Cần biết - 11/24/2024

Một số người cho rằng, khi bị mèo cào thì không lây bệnh dại hoặc nghi ngờ liệu có thể lây bệnh dại không? Những điều này là hoàn toàn sai lầm vì trên thực tế mèo cào có thể mắc bệnh dại vì bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người.

Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vắc-xin dại, virut dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình “tàn phá”.

Bé trai 11 tuổi tử vong vì mèo cào

Mới đây một bé trai 11 tuổi ở Tuyên Quang bị mèo nhà hàng xóm cào vào lưng nhưng đã không nói cho gia đình biết. Sau 3 tháng bị mèo cào bé trai này thấy mệt mỏi, thường rùng mình nhiều lần, không ăn, không uống được, rất sợ gió, sợ ánh sáng... nên mới nói với gia đình và được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để khám và điều trị. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bé đã không qua khỏi và tử vong ngay ngày hôm sau.

Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ 80 tuổi, trú tại Thắng Quận, Yên Sơn, Tuyên Quang bị chó cắn vào cẳng chân trái nhưng chủ quan không đi tiêm phòng, không theo dõi chó mà đã giết thịt chó ngay ngày hôm sau. Sau 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện tình trạng sợ gió, cứng hàm, nuốt khó, choáng váng, sợ ánh sáng nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh dại và sau 2 ngày phát cơn dại, bệnh nhân đã tử vong.

Mắc bệnh dại từ vết cào của mèo

Khi trẻ bị chó, mèo cắn hoặc cào xước da nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin để ngừa bệnh dại.

Những sai lầm

Tại một số địa phương có trường hợp tử vong do lây nhiễm bệnh dại từ chó, mèo và hầu hết trường hợp tử vong đều do bệnh nhân chủ quan không điều trị đúng cách ngay sau khi bị chó, mèo cào, cắn. Thậm chí, khi bị trầy xước, có người còn chủ động cho mèo, chó liếm vào vết thương trên da với mong muốn nhanh lành bệnh - một việc rất nguy hiểm nếu động vật nhiễm bệnh dại. Bởi khi bị động vật mắc bệnh dại cào, cắn, liếm vào chỗ da bị tổn thương, virut từ nước bọt sẽ xâm nhiễm vào cơ thể người. Một số trường hợp nghĩ rằng tiêm vắc-xin phòng bệnh dại sẽ làm giảm trí nhớ nên đã đi nhờ thầy lang “cào” để biết bệnh nhân có bị nhiễm virut dại hay không. Chính vì quan niệm sai lầm và phương pháp “chẩn” bệnh thiếu khoa học này mà nhiều người đã tử vong...

Dễ tử vong

Khi bị chó, mèo cào, cắn, bệnh nhân thường được dặn dò theo dõi để biết con vật cắn mình có bị bệnh dại hay không để có hướng xử lý phù hợp. Tuy nhiên, việc theo dõi này rất khó khăn bởi thời gian ủ bệnh (mang vi rút nhưng chưa có biểu hiện bệnh) ở động vật dài, dao động từ 7 ngày đến nhiều tháng.

Cụ thể, sau khi xâm nhập vào cơ thể người qua vết cắn, virut dại sẽ theo dây thần kinh lên não với vận tốc khoảng 3mm/giờ, gây tổn thương thần kinh trung ương. Virut nhân lên trong não, rồi di chuyển theo thần kinh đến các cơ quan khác như tuyến nước bọt, thận, phổi, tim, gan...

Ở tuyến nước bọt, virut nhân lên với số lượng lớn, tạo ra nguồn lây bệnh nguy hiểm nhất. Kể từ ngày virut vào cơ thể người, thời gian ủ bệnh rất thay đổi tùy từng cá thể, từ 1 tuần đến trên 1 năm, trung bình ủ bệnh từ 1 - 2 tháng, phụ thuộc vào số lượng virut, khoảng cách từ vết cắn đến thần kinh trung ương.

Nhận diện các biểu hiện ban đầu của bệnh dại ở người

Thời kỳ ủ bệnh, được tính từ khi bị chó (hoặc động vật mắc bệnh dại) cắn đến khi phát bệnh, đây là khoảng thời gian quý báu để cứu sống người bệnh. Dấu hiệu của thời kỳ này chỉ duy nhất là vết cắn, vì vậy người bị chó cắn phải đi khám và tiêm phòng bệnh dại là việc làm quan trọng nhất.

Thời kỳ tiền triệu chứng là các biểu hiện ban đầu của bệnh dại ở người trước khi phát bệnh, bệnh nhân có biểu hiện lo lắng, thay đổi tính tình, có cảm giác ngứa, đau ở nơi bị cắn. Lưu ý rằng đến lúc này, đa phần bệnh nhân đã quên việc bị chó (hoặc động vật khác) cắn.

Thời kỳ toàn phát bệnh dại thường có 2 thể bệnh là thể hung dữ và thể liệt.

Triệu chứng của bệnh dại ở người thể hung dữ hoặc co cứng: bệnh nhân sẽ biểu hiện một tình trạng kích thích tâm thần vận động, bệnh nhân trở nên hung tợn, điên khùng, gây gổ, đập phá lung tung và nhanh chóng tiến tới hôn mê và tử vong.

Bệnh nhân bị co cứng, run rẩy tứ chi, co giật, co thắt họng và thanh khí quản gây triệu chứng sợ nước, có cảm giác khát không dám uống, chỉ nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng nước chảy cũng gây tăng co thắt họng và rất đau. Tình trạng co thắt này tăng lên mỗi khi có kích thích dù rất nhỏ như: gió thổi, quạt điện, mùi vị thức ăn, ánh sáng... Bệnh nhân có nét mặt luôn căng thẳng, hoảng hốt, mắt sáng và đỏ, tai thính, có thể có tình trạng kích thích bộ phận sinh dục, cương cứng dương vật ở đàn ông. Bệnh nhân bắt đầu sốt tăng dần, vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi, rối loạn tim mạch và hô hấp, ảo giác. Các triệu chứng này tiến triển nặng dần và tử vong sau 3 - 5 ngày do ngừng tim, ngừng thở.

Triệu chứng của bệnh dại ở người thể liệt: hay gặp ở bệnh nhân bị chó dại cắn đã tiêm vắc-xin nhưng tiêm phòng khá muộn, virut đã vào đến não gây bệnh. Bệnh nhân thường không có triệu chứng sợ nước, sợ gió.

Ban đầu có thể thấy đau nhiều vùng cột sống, sau đó xuất hiện hội chứng liệt kiểu Landry (đầu tiên liệt chi dưới, sau đó rối loạn cơ vòng, rồi liệt chi trên). Khi tổn thương lan tới hành não, bệnh nhân sẽ xuất hiện liệt thần kinh sọ, ngừng thở và ngừng tim, tử vong.

Xử trí đúng khi bị chó, mèo cào, cắn

Cách xử trí sau khi bị chó, mèo cào, cắn: rửa sạch vết thương với nước xà phòng đặc 20% hoặc nước muối 0,9%, sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn và đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Không được băng kín hoặc khâu vết thương sớm, trừ vết thương ở vị trí mặt. Cần tiêm phòng huyết thanh kháng uốn ván và dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn vết thương.

Không điều trị theo mách bảo, theo kinh nghiệm dân gian không có bằng chứng khoa học dẫn đến có thể tử vong vì bệnh dại.

Cách tốt nhất để phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn là phải tiêm vắc-xin ngay trong những giờ đầu tiên. Đặc biệt, khi phát hiện con vật có biểu hiện bệnh dại hoặc vết thương ở gần đầu, mặt, cổ hoặc ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục, cần phải tiêm cả huyết thanh kháng dại. Nếu không điều trị kịp thời, khi đã lên cơn dại hầu như 100% ca bệnh đều tử vong.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!