Tình hình bệnh dại vẫn diễn biến phức tạp, một phần do chính nhận thức của người dân còn chưa đầy đủ và nhiều suy nghĩ sai lầm về bệnh dại.
Ngộ nhận:Trách nhiệm của người nuôi chó là chỉ cần cho chó ăn đầy đủ.
Sự thực: Trách nhiệm của người nuôi chó là đăng ký chó với trưởng thôn/khu/cán bộ thú y cơ sở; tiêm phòng bệnh dại cho chó hàng năm; không thả rông chó ngoài đường; chăm sóc đầy đủ và cho chó ăn là trách nhiệm của người nuôi chó.
Ngộ nhận:Bệnh dại chỉ lây qua vết cắn của động vật.
Sự thực: Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn. Bệnh dại còn có thể lây truyền từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc dại do liếm hay vết cào của động vật mắc dại có dính nước bọt.
Thế giới ghi nhận việc lây bệnh qua không khí có thể xảy ra khi ở trong hang dơi hay tiếp xúc với chất thải của dơi, việc lây bệnh qua không khí này đã được ghi nhận tại 4 báo cáo về ca mắc bệnh dại ở người và liên quan tới công việc thí nghiệm với động vật. Tuy nhiên các ca mắc dạng này chưa ghi nhận tại Việt Nam.
Có thể ngăn ngừa được bệnh dại nếu điều trị trước khi các triệu chứng xuất hiện.
Ngộ nhận:Tiêm phòng cho chó chỉ bảo vệ được chó trong vòng vài tháng.
Sự thực:Nếu chó của bạn được tiêm phòng vắc-xin dại, chúng được bảo vệ khỏi virut dại 1 năm.
Ngộ nhận: Người nuôi chó được quyền lựa chọn tiêm hay không tiêm phòng bệnh dại cho chó.
Sự thực: Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, người nuôi chó phải tiêm phòng bệnh dại cho chó hàng năm để bảo vệ chó, người nuôi, gia đình, bạn bè và cộng đồng khỏi bệnh dại.
Ngộ nhận: Vắc-xin tiêm phòng bệnh dại cho chó rất đắt.
Sự thực: Tại Việt Nam, giá vắc-xin tiêm phòng cho chó là 20.000VND/ liều/ con. Chi phí này không cao nếu so sánh với chi phí tiêm phòng khoảng 1.000.000 đồng/ đợt điều trị tiêm phòng bệnh dại cho người không may bị chó nghi dại/ chưa tiêm phòng cắn.
Ngộ nhận: Nếu con chó cắn một người, việc quan trọng là phải tập trung chăm sóc người bị cắn.
Sự thực:Thực tế, cần phải bắt giữ và theo dõi con chó đó trong khu/chuồng riêng, cách ly nó khỏi người và các động vật khác trong vòng ít nhất 10 ngày, để quan sát xem nó có phát triển các biểu hiện khác thường giống bệnh dại hay không. Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo người bị cắn được tư vấn và điều trị y tế đầy đủ.
Ngộ nhận: Bệnh dại không phải là bệnh đe dọa tới tính mạng con người.
Sự thực: Bệnh dại luôn luôn là bệnh đe dọa tính mạng và có thể gây tử vong cho người nếu người bị cắn không rửa vết thương và được điều trị y tế kịp thời sau khi bị cắn.
Ngộ nhận: Sơ cứu sau khi bị cắn là không cần thiết nếu một người bị chó hay động vật nghi dại cắn, cào liếm.
Sự thực: Sơ cứu bằng việc rửa vết cắn ngay lập tức là rất quan trọng. Rửa vết cắn dưới vòi nước chảy với xà phòng. Tiếp tục dùng chất sát khuẩn để sát khuẩn vết thương và vùng xung quanh. Sau đó đưa người bị chó cắn tới trung tâm y tế gần nhất.
Ngộ nhận: Vắc-xin phòng bệnh dại cho người bị chó cắn là rất nguy hiểm và có thể khiến người đó bị ốm và mất trí nhớ.
Sự thực: Vắc-xin thế hệ cũ trước đây có thể gây ra một số phản ứng phụ nặng sau tiêm nhưng vắc- xin tế bào đang hiện hành tiêm cho người không có phản ứng nặng như nói trên. Vắc-xin phòng dại tiêm cho người đã được thử nghiệm và chứng minh tính an toàn. Theo Bộ Y tế, hàng năm trung bình có khoảng 400.000 người đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn trong vòng 5 năm gần đây, không có phản ứng phụ nặng sau tiêm phòng nào ở vắc-xin tế bào đang hiện hành được ghi nhận.
Ngộ nhận: Nếu một thầy lang điều trị vết cắn rồi thì không cần đi khám bác sĩ hay tới bệnh viện/trung tâm y tế.
Sự thực: Nếu người bị chó cắn chỉ điều trị bằng thuốc Đông y/ thuốc Nam thì sẽ có nguy cơ nhiễm virut dại và tử vong vì bệnh dại cao. Khi người đó có những dấu hiệu lên cơn dại thì cái chết là không thể tránh khỏi.
Ngộ nhận: Virut dại có thể được phát hiện và điều trị bằng phương pháp y học dân gian từ các ông lang/ bà mế.
Sự thực: Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp y học cổ truyền hay dân gian nào chứng minh được sẽ chữa khỏi bệnh dại hiệu quả. Do vậy, cho dù một thầy thuốc y học cổ truyền nào điều trị vết cắn thì bạn cũng phải tới ngay điểm tiêm phòng hay bệnh viện để vết cắn được làm sạch và sát khuẩn đầy đủ, sau đó bạn cần được tư vấn và tiêm phòng vắc-xin.
Ngộ nhận: Nếu tôi bị một con chó đã tiêm phòng bệnh dại cắn, tôi không cần phải đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Sự thực: Ngay cả khi con chó đó đã được tiêm phòng, bạn vẫn phải tới các trung tâm y tế để được khám và tư vấn tiêm phòng. Bác sĩ sẽ khám vết thương và tư vấn xem bạn có cần phải tiêm phòng hay không. Con chó đã được tiêm phòng là một yếu tố để hạn chế nguy cơ bị dại nhiều hơn.
Ngộ nhận: Bệnh dại có thể lây từ người sang người.
Sự thực:Người là hệ động vật có vú, vì vậy về mặt lý thuyết, việc lây truyền giữa người với người là có thể. Tuy nhiên, trên thực tế không có ca lây nhiễm từ người sang người nào bằng con đường thông thường đã được ghi nhận.
Ngộ nhận: Cách duy nhất tôi có thể làm để phòng chống bệnh dại là tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo hàng năm.
Sự thực: Điều này rất quan trọng nhưng chỉ là điểm khởi đầu và bạn có thể tham gia hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh dại bằng các cách sau:
Không thả rông chó ngoài đường hay dắt chó ra ngoài mà không đeo rọ mõm và có dây xích kể cả khi chúng đã được tiêm phòng;
Hợp tác với cán bộ thú y xã và trưởng thôn để đăng ký và tiêm phòng cho chó hàng năm;
Tìm hiểu về bệnh dại và truyền thông cho gia đình, đặc biệt cảnh báo trẻ em không bao giờ lại gần chó hay động vật đang bị ốm và/ hay có dấu hiệu hung dữ;
Thông báo ngay cho thú y xã/phường và trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố khi bạn phát hiện thấy động vật có biểu hiện thay đổi hành vi thông thường, hay cắn và nghi mắc dại.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!