Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, gần đây lực lượng chức năng một số tỉnh thành ở miền Nam như Đồng Nai, TP HCM đã phát hiện nhiều vụ liên quan đến việc sử dụng hóa chất tạo nạc trong chăn nuôi heo. Quá trình kiểm tra cho thấy, các hóa chất này thuộc họ Beta Agonist được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Trong đó phổ biến nhất là 2 chất salbutamol, clenbuterol.
Trong các bệnh viện, salbutamol và clenbuterol được dùng để cấp cứu bệnh nhân hen lên cơn co thắt phế quản không thở được, song dùng ở mức rất hạn chế, với liều lượng cực thấp. Các chuyên gia khuyến cáo các chất này rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người và bị cấm sử dụng trong chăn nuôi trên phạm vi toàn thế giới.
Các hóa chất tạo nạc đều dựa trên tác dụng kích thích tuyến thượng thận, làm thay đổi quá trình sinh trưởng tự nhiên của cơ thể sống (Ảnh minh họa: Healthplus)
Hiện nay tại Việt Nam, nhiều người chăn nuôi sử dụng clenbuterol và salbutamol trộn vào thức ăn nhằm thúc heo nhanh lớn, nhiều nạc, dễ bán, nhờ đó tăng lợi nhuận. Theo phân tích, hai chất này khi hấp thụ vào cơ thể động vật sẽ điều tiết quá trình sinh trưởng, thúc đẩy hình thành cơ bắp, phân giải mỡ nhanh. Thịt heo được nuôi bằng chất tạo nạc sẽ có lớp mỡ rất mỏng và siêu nạc.
Kết quả giám sát tại các lò mổ trên địa bàn TP HCM năm 2012 cho thấy, có tới 43% số mẫu nước tiểu và 24% số mẫu thịt nhiễm chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists. Gần đây, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai kiểm tra tồn dư chất cấm trong chăn nuôi lợn trên địa bàn cũng phát hiện mẫu dương tính với chất tăng trọng. Các lực lượng liên ngành thanh kiểm tra cũng phát hiện hàng trăm kg chất salbutamol ghi rõ trên bao bì là chất tạo nạc, bung đùi, nở mông vai… Đa phần các cơ sở này hoạt động kín đáo và tinh vi nên khó phát hiện.
Theo ông Bình, các hóa chất tạo nạc đều dựa trên tác dụng kích thích tuyến thượng thận, làm thay đổi quá trình sinh trưởng tự nhiên của cơ thể sống, thúc đẩy cơ bắp phát triển và giảm sự hình thành mỡ. Trong khi người chăn nuôi lại sử dụng với liều lượng 'vô thưởng vô phạt', thậm chí dùng cho đến khi xuất chuồng, do đó lượng hóa chất này tồn dư trong thịt heo có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng dùng.
Giáo sư, tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn cũng cảnh báo, các chất cấm trên khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ tích tụ trong gan, gây ngộ độc, run cơ, tim đập nhanh, tăng huyết áp, ung thư, thậm chí tử vong. Tình trạng này kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ kia sẽ dẫn đến suy thoái giống nòi, để lại hệ lụy nghiêm trọng.
Để hạn chế tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc gia cầm, ông Bình kiến nghị các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh, phân phối và sử dụng chất cấm. 'Đã là chất cấm thì buôn bán hoặc tiêu thụ phải bị phạt tù, giống như mua bán ma túy vậy', ông nói.
Ngoài ra ông Bình cũng đề xuất hướng cho phép sử dụng một hóa chất giúp thúc đẩy tăng trưởng an toàn hơn mà hiện nay Mỹ và một số nước cho phép dùng với khuyến cáo liều lượng hạn chế, đó là ractopamine. Chất này nếu dùng theo đúng quy định, tuân thủ thời gian ngưng thuốc ít nhất một tuần trước khi xuất chuồng sẽ không gây hại cho người dùng.
Ông Bình cũng khuyên người tiêu dùng nên chú ý hơn khi mua thịt heo để tránh bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ông hướng dẫn nhận biết thịt heo được nuôi bằng hóa chất tạo nạc qua một số đặc điểm sau:
- Khi còn sống, heo đi đứng nặng nề, thậm chí không đứng nổi.
- Sau khi giết mổ, thịt heo màu đỏ như thịt bò, lớp mỡ rất mỏng, chỉ dưới 1 cm. Còn thịt heo bình thường có màu hồng tự nhiên, lớp mỡ dày từ 1 cm trở lên.
- Chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ lỏng lẻo, thường rỉ nước dịch màu vàng, khi luộc lên có thể ngửi thấy mùi hóa chất.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!