Ảnh minh họa.
6 năm nay ông Đỗ Văn Q. 68 tuổi quê Thái Bình chỉ sống ở bệnh viện vì căn bệnh phổi tắc nghẽn của mình. Ông Q. bị đột quỵ vào 6 năm trước. Sau khi trải qua cơn đột quỵ từ đó trở đi ông thường xuyên bị khó thở và phải lên bệnh viện huyện điều trị. Các bác sĩ ở tuyến huyện cũng không rõ bệnh của ông là gì, khó thở thì cho thở khí dung hoặc thở ô xy.
Năm ngoái, ông Q. nhập viện điều trị, huyết áp cao lên tới 190/130 không có dấu hiệu hạ nên bệnh viện giới thiệu lên tuyến trên. Con cháu ông Q. quyết định đưa bố thẳng lên Hà Nội. Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ chẩn đoán ông Q. bị tắc nghẽn phổi mãn tính. Sau khi điều trị bệnh này một thời gian, ông Q. thấy đỡ nhưng về nhà lại bị khó thở và đành lên viện ở.
Ông Q. có tiền sử hút thuốc lá 20 năm. Nhiều năm trước ông cũng không biết rõ bệnh của mình là gì và vẫn hút thuốc lá ngày 3,4 điếu thay vì cả bao như lúc trước.
Vợ con ông Q. cho biết ông Q. hút rất nhiều thuốc lá. Khi đến bệnh viện, nhìn những bệnh nhân ăn cũng khó, thở càng khó hơn đều do tác hại thuốc lá họ cũng cảm thấy ám ảnh nhưng đến bây giờ bỏ thuốc lá thì đã quá muộn.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 ở Mỹ. Bác sĩ Phan Thu Phương – Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính hay còn gọi là COPD là căn bệnh 'giết' chết hơn 120.000 người Mỹ mỗi năm, tức là cứ 4 phút lại có 1 người chết vì COPD, và con số này đang ngày càng gia tăng.
Tính đến năm 2011, có khoảng 12 triệu người Mỹ được chẩn đoán COPD. Con số đó hiện nay có thể là 16 triệu người và 12 triệu người khác bị bệnh mà chưa được biết đến.
COPD tiến triển từ từ và nặng dần theo thời gian. Ở giai đoạn sớm, bệnh có thể không gây ra triệu chứng nào. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn này có thể tránh được các tổn thương phổi, các vấn đề hô hấp, thậm chí là suy tim. Bước đầu tiên là cần phát hiện các yếu tố nguy cơ gây phát triển bệnh.
Thủ phạm gây bệnh là thuốc lá
Nguyên nhân hàng đầu gây nên COPD là hút thuốc lá. Phơi nhiễm kéo dài với những chất hóa học gây kích ứng cũng có thể gây COPD. COPD là một bệnh cần một thời gian dài để hình thành. Chẩn đoán thường bao gồm chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu và xét nghiệm chức năng phổi.
Đối với thuốc lá, khói thuốc gây ra khoảng 90% các trường hợp tử vong do COPD. Những người hút thuốc có nguy cơ chết vì bệnh tăng gấp 13 lần so với những người không hút thuốc.
Tiếp xúc với thuốc lá thời gian dài đặc biệt nguy hiểm. Nếu bạn hút thuốc lá càng nhiều năm và số lượng càng nhiều thì nguy cơ của bạn càng cao. Hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Khi bị mắc COPD, bệnh nhân không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh COPD, nhưng việc điều trị có thể làm giảm nhẹ triệu chứng, giảm biến chứng, và nâng cao chất lượng sống. Thuốc, liệu pháp oxy, và phẫu thuật là một số cách điều trị phổ biến. Nếu không được điều trị, COPD có thể gây bệnh tim và làm việc nhiễm khuẩn đường hô hấp trầm trọng hơn.
Rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nói rằng, vì phổi của họ đã bị tổn thương rồi, nên việc cai thuốc lá lúc này sẽ chẳng còn tác dụng gì nữa. Nhưng suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm.
Cai thuốc là là việc quan trọng nhất bạn có thể làm để có thể chung sống tốt hơn với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nếu bạn mắc bệnh này và vẫn hút thuốc thì các biện pháp điều trị sẽ không phát huy tác dụng.
Những tổn thương ở phổi sẽ không bao giờ hồi phục được, bạn cũng không thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và bạn sẽ hít thở ngày một khó khăn hơn. Nếu bạn mắc COPD và cai thuốc lá, bạn sẽ cảm thấy triệu chứng khá hơn gần như ngay lập tức. Nếu bạn tiếp tục hút thuốc, nguy cơ tử vong vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính của bạn sẽ tăng lên khoảng 12 lần.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!