Thuốc lá điện tử với giới trẻ: Thử một lần rất dễ nghiện !
Đây là khuyến cáo của Th.S Lê Thị Thu – Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam trước mối nguy hại do thuốc lá điện tử gây ra.
Gia tăng người trẻ sử dụng thuốc lá điện tử
Trên thực tế, để duy trì sản lượng thuốc lá và tăng trưởng lợi nhuận khi chính phủ các nước thực hiện giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá, ngành công nghiệp này đã tìm kiếm người thay thế là giới trẻ.
'Thuốc lá gây bệnh tật và tử vong ở 50% số người hút thuốc lá trưởng thành. Gần 70% số người thử một điếu thuốc trở thành người hút thuốc hàng ngày do nicotin – chất gây nghiện có trong thuốc lá. Đặc biệt người trẻ tuổi (14-30 tuổi) đã sử dụng thuốc lá điện tử thì có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 4 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử', bà Thu cảnh báo.
Lấy dẫn chứng ở Mỹ bà Thu thông tin, từ năm 2011 đến 2018 số lượng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 1,5% lên mức 27,5%. Từ năm 2017 đến năm 2018 việc sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng 135% ở học sinh THPT.
Tại Việt Nam năm 2015, tỷ lệ người đã từng sử dụng TLĐT là 1,1% và 0,2% hiện đang sử dụng. (Nguồn: GAT 2015). Theo điều tra sức khoẻ học đường 2019: tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử độ tuổi 13-17 là 2.6%. Thực tế cho thấy sử dụng TLĐT ở Việt Nam có xu hướng gia tăng ở các thành phố lớn, trong nhóm có mức sống khá và trong giới trẻ.
Th.S Lê Thị Thu cho rằng, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm độc hại mới. Ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng các cách thức quảng cáo, tiếp cận nhắm vào giới trẻ. Theo đó, ngành công nghiệp thuốc lá thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm nhắm đến giới trẻ như: thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ... Ngoài ra còn sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng quảng cáo thuốc lá, đồng thời bán qua các trang thương mại điện tử. Đặc biệt, họ còn che đậy bản chất thực có hại của thuốc lá nhằm đánh lừa người sử dụng.
Ở Việt Nam, thuốc lá điện tử đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội. Theo một báo cáo rà soát tin tức về thuốc lá và phòng chống tác hại thuốc lá trên các kênh truyền thông Internet tại Việt Nam, cho thấy: Trong vòng 3 tháng (7-9/2019) có tới hơn 61.000 tin, bài đăng liên quan đến thuốc lá điện tử; trong đó 99% tin bài được đăng trên mạng xã hội Facebook; nội dung thông tin chủ yếu là mua bán, quảng cáo, review kinh nghiệm sử dụng.
Cần khung pháp lý kiểm soát mặt hàng này
Đồng tình với quan điểm trên, ThS. BS Nguyễn Tuấn Lâm – Cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, thuốc lá điện tử có tác hại với sức khỏe con người; chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh và gây hại cho sức khỏe đặc biệt là trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai; các chất độc được thấy trong dung dịch điện tử và trong khói.
Vì vậy, thuốc lá điện tử có hại cho cả người dùng và người xung quanh; đặc biệt thuốc lá điện tử hấp dẫn với trẻ em và vị thành niên, tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá; Có nguy cơ ngộ độc không chủ ý và gây chấn thương do phát nổ; Rất nhiều loại sản phẩm với đặc tính thiết kế khác nhau; dễ bị can thiệp thay đổi bởi người dùng và đặc biệt nguy cơ trộn lẫn ma túy; tiếp xúc lâu sẽ tăng nguy cơ gây các bệnh như ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác.
Bởi theo BS Tuấn Lâm trong thuốc lá điện tử chứa Nicotine gây nghiện và ảnh hưởng phát triển não; là cầu nối và làm tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường. Gây hội chứng tổn thương hô hấp cấp, tử vong (EVALI); Phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp. Nguy cơ pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử (Cannabis và Marijuana). Gây chấn thương do cháy nổ. Đáng ngại là, nghiên cứu cho thấy người trẻ tuổi đã thử sử dụng thuốc lá điện tử thì có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử.
Đại diện quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cũng cho biết các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc lá mới. Mặc dù tỷ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam còn chưa cao nhưng với xu hướng gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên như Mỹ, Romania, Italy... cho thấy Việt Nam cần khung pháp lý nhằm kiểm soát các sản phẩm này.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!