Mắc Tay Chân Miệng, bé càng đau càng dễ biến chứng

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Về chuyên môn, các vết phồng nước trong miệng bé khi vỡ ra, các đầu dây thần kinh cảm giác và vị giác bị kích thích mạnh sẽ làm bé rất đau...

Ngày 28-11-2017 bé Trần Vĩnh H, 3 tuổi, nhà ở xã Long Bình Điền, Chợ Gạo, Tiền Giang vào bệnh viện khám bệnh vì quấy khóc, không chịu ăn đã ba ngày nay. Bác sĩ khám thấy em sốt nhẹ, nước miếng chảy nhiều, quấy khóc liên tục, lưỡi em có một vét loét to gần đầu lưỡi, lòng bàn tay và bàn chân em cũng có nhiều bóng nước. Bác sĩ chẩn đoán em H bị bệnh tay chân miệng độ hai, nên cho em nhập viện theo dõi. Mẹ em nói hổm rày H bỏ ăn, mỗi lần đút thức ăn vào miệng H đều la khóc, kêu đau nên không biết phải làm sao. Bác sĩ nói sẽ cho thuốc bôi vào miệng bé trước khi cho ăn để tránh đau, và khuyên mẹ nên cho cháu ăn thức ăn lỏng, mềm, không cay, không mặn, không nóng, không chua...để thức ăn không kích thích miệng của cháu làm cháu đau, rát vì bé càng đau thì càng dễ biến chứng nặng như viêm não, phù phổi, suy tim, sốc...

Mắc Tay Chân Miệng, bé càng đau càng dễ biến chứng

Hình bé H lưỡi bị loét

Về chuyên môn, các vết phồng nước trong miệng bé khi vỡ ra, các đầu dây thần kinh cảm giác và vị giác bị kích thích mạnh sẽ làm bé rất đau, nhất là khi cho bé ăn thức ăn quá nóng, chua, cay, mặn...Các luồng thần kinh được dẫn lên hệ thần kinh trung ương vốn đang bị vius tay chân miệng tấn công, gây nên tình trạng kích thích hệ thần kinh nội tiết, sản sinh các chất hóa học thần kinh trung gian, tạo nên một tình trạng phản ứng bảo vệ bù trừ ban đầu như co mạch, phân phối lại máu tuần hoàn, lập lại áp lực thẩm thấu,tim đập nhanh, thở nhanh và cuối cùng khi phản ứng bảo vệ quá sức bù trừ của cơ thể làm bệnh nhân suy sụp tuần hoàn, ngừng tim, ngừng thở!.

Để tránh bé bị kích thích đau, bà con nên để bé nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh nhiều tiếng động mạnh, không cho ăn những món quá nóng (làm bé phỏng miệng), vị chua (làm miệng bé rát), vị cay (làm miệng bé đau). Khi bé khóc phải vỗ về, an ủi, không la rầy, nhất là không được cạo gió, cắt lể, rơ miệng... làm bé bị đau thì bệnh của bé dễ bị biến chứng hơn. Hãy cho trẻ được ăn những món mà bé thích.

Không nên ép trẻ ăn quá nhiều, thức ăn thật mềm, chế biến dưới dạng chất lỏng mềm như súp, nước ép, cháo, mì…Chỉ cho trẻ ăn khi thức ăn đã nguội để tránh thức ăn nóng chạm vào vết thương trong miệng khiến trẻ bị đau, chia nhỏ thực đơn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Mỗi bữa chỉ nên cho trẻ ăn vừa no, không ép con ăn quá nhiều sẽ khiến trẻ sợ ăn, quấy khóc.

Trong quá trình cho con ăn, cha mẹ hãy bảo vệ bé khỏi những đụng chạm vào vết loét nơi đầu lưỡi bằng cách chọn các loại muỗng không có cạnh sắc để dễ đút. Bổ sung thêm sữa bột, sữa chua, nước trái cây ngọt, bột dinh dưỡng. Súc miệng cho bé bằng nước muối sạch sau khi ăn và nghỉ ngơi khoảng 3- 4h thì ăn bữa khác.

Sau 4 – 5 ngày trẻ đã giảm bệnh và khỏi các triệu chứng ban đầu (nôn, sốt, đau họng…), bà con cho bé ăn theo chế độ dinh dưỡng bình thường, ăn trả bữa thêm vài cử trong ngày để giúp bé lấy lại sức khỏe như trước khi bị bệnh.

BS Nguyễn Thành Úc

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!