Các bạn tuổi dậy thì ngày nay thường lo lắng về rất nhiều thứ như: bạn bè, chuyện hẹn hò, trường lớp, tương lai… Những căng thẳng và lo lắng đó có thể ảnh hưởng tới vấn đề ăn uống, vận động và thời gian ngủ nghỉ của họ.
“Mọi thứ đều có nguyên nhân” – Tiến sĩ William Hansen, nhà tâm lý học trẻ em, chia sẻ: “Các em luôn muốn khẳng định bản thân mình, muốn có kiểu tóc riêng, có kiểu quần áo riêng, muốn có kiểu phong cách cho riêng bản thân. Cảm giác lo lắng của trẻ tuổi teen có thể đến từ mọi nơi”.
Mọi ông bố bà mẹ đều cảm thấy băn khoăn khi con mình đang trong giai đoạn trưởng thành này. Tuy nhiên, có một số thứ họ có thể làm để kìm hãm “con quái vật” đang hình thành những ưu tư, lo lắng tuổi thanh thiếu niên của con mình. Hãy giúp con học cách giải quyết vấn đề một cách lành mạnh, không nên để con giảỉ tỏa áp lực bằng cách đánh nhau, rơi vào tệ nạn hoặc chơi game, cắm đầu vào điện thoại hay ngấu nghiến một mớ thức ăn nhanh. Những cách đối phó thiếu lành mạnh trên vừa chỉ mang tính tạm thời vừa có thể làm cho tâm trạng của trẻ trở nên tệ hơn.
Hello Bacsi mách bạn một số phương pháp sau đây để giúp giải tỏa nỗi lo của trẻ tuổi teen. Cùng tìm hiểu nhé.
Cùng con đi dạo
Khi con bạn buồn, giận hoặc chỉ là có quá nhiều cảm xúc, đứa trẻ thường có xu hướng sẽ đi vào phòng và ở trong đó tiếp tục các cảm xúc tiêu cực hoặc đắm chìm trong internet. Sẽ tốt hơn nếu bạn có thể vực đứa trẻ dậy và vận động. Tập thể dục giúp giảm hormone căng thẳng và có thể khiến con bạn trở nên vui vẻ hơn đấy.
Hãy bảo con đeo tai nghe vào và đi dạo. Con bạn cần tận hưởng một chút không khí trong lành và nghỉ xả hơi trong 20 phút. Tập thể dục là một trong những điều tuyệt vời nhất giúp con giảm căng thẳng.
Sẽ tốt hơn nữa nếu bạn có thời gian cùng con đi dạo. Bạn và con sẽ có những quãng thời gian ý nghĩa bên nhau ngay cả khi không trò chuyện. Thêm vào đó, việc bạn cùng con làm một điều gì đó có ý nghĩa cho bản thân sẽ biến bạn trở thành một tấm gương tốt cho con. Sẽ thật tệ nếu bạn luôn miệng bảo con phải tập thể dục trong khi mình lại nằm ườn trên võng và xem tivi phải không? Con trẻ luôn học hỏi từ người khác – chủ yếu là từ bạn đấy!
Chở con đi dạo phố
Có thể nói một trong những thời điểm tốt nhất để trò chuyện cùng con đang ở độ tuổi dậy thì là khi đang chạy xe trên đường bởi con sẽ lắng nghe những gì bạn nói mà không cần phải nhìn thẳng vào nhau. Hãy hỏi con về trường lớp và những dự định của con trong cuộc sống. Cố gắng đừng gây bất đồng với con. Ví dụ như nếu con bạn buồn vì không có những người bạn tốt hoặc những bộ quần áo đẹp, đừng sỗ sàng mà nói rằng: “con không cần những đứa bạn như vậy” hoặc “con không cần phải mặc như những đứa trẻ khác.” Thay vào đó, hãy tỏ thái độ đồng thuận với con, cho con thấy rằng bạn hiểu tâm trạng của con, ví dụ như “Chắc là con buồn lắm phải không?”.
Để con một mình
Con trẻ trong giai đoạn dậy thì cần được học cách tự mình giải tỏa căng thẳng và mỗi người đều có những cách thư giãn khác nhau. Một số trẻ có thể giải tỏa căng thẳng bằng cách nghe nhạc, cho dù đó là những giai điệu sôi động ồn ào mà bạn chẳng thấy thích chút nào. Một số khác có thể thư giãn bằng cách tập yoga hay ngồi thiền. Cho dù con bạn thích vẽ tranh hoặc chơi nhạc cụ để thư giãn, bạn cũng nên để con thả mình vào những sở thích đó nhé.
Hướng dẫn con dùng thực phẩm tốt cho sức khỏe và ngủ đủ giấc
Chúng ta thường có những quyết định tồi tệ khi chúng ta tức giận, đói, cô đơn hoặc mệt mỏi. Trẻ tuổi teen cũng thế. Mệt mỏi có thể làm con bạn thèm thức ăn có nhiều calo. Nhưng điều đó không có nghĩa là con có thể tiêu thụ 2 lít nước ngọt cùng một cái pizza dày cộm. Những đứa trẻ có quyền được chọn những thức ăn có lợi cho sức khỏe và bạn hãy là người hướng dẫn con lựa chọn những thực phẩm lành mạnh đó.
Bố mẹ nên tích trữ các loại đồ ăn nhẹ bổ dưỡng như trái cây tươi và rau củ cắt sẵn, sữa chua ít béo, phô mai ít béo hoặc trái cây sấy khô. Chỉ cần bạn không để kem hoặc nước ngọt trong tủ lạnh thì con bạn sẽ không thể chọn ăn những món có hại đó đâu.
Ngoài ra, bạn nên dạy con hiểu rằng giấc ngủ rất quan trọng. Thiếu ngủ không chỉ làm cho tâm trạng con bạn trở nên ủ rũ, khiến con ăn uống không điều độ, mà còn làm cho con bạn trở nên lười biếng, lơ là trong học tập. Trẻ ở tuổi dậy thì cần ngủ ít nhất 8.5 tiếng một đêm. Nếu thời gian ngủ của con quá ít so với thời gian cần thiết trên, có lẽ bạn cần phải giúp con chỉnh lại lịch trình hàng ngày của mình.
Đừng cố gắng tranh cãi với con, hãy kiềm chế lại
Nếu con trẻ thử thách sự kiên nhẫn của bạn, hãy nhớ rằng trẻ cãi lại chỉ vì chúng đã có khả năng cãi lại thôi. Đừng để bụng! Con bạn đang trải qua rất nhiều thay đổi khác nhau cả về thể xác, tinh thần lẫn đời sống xã hội. Hãy rộng lượng và thông cảm cho con, đừng cố gắng tranh cãi với con bạn nhé.
Hello Bacsi hy vọng qua bài viết trên, bạn sẽ có thể cùng con trải qua giai đoạn dậy thì một cách êm đẹp nhất có thể mà không có những cuộc tranh cãi giữa bố mẹ và con cái làm rạn nứt tình cảm gia đình nhé.
Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:
- Giải mã hiện tượng “nhắn tin vô thức” của trẻ
- Dạy con biết nghe lời
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!