Nhìn những em bé ăn dặm ngoan ngoãn, gọn gàng và sạch bát luôn khiến các mẹ ao ước, nhưng cũng chỉ dám nghĩ rằng đó là 'con nhà người ta' chứ không phải là em bé nhà mình. Chị Quỳnh Anh (27 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) cũng đã từng có suy nghĩ như vậy.
Nhưng sau khi trải qua hành trình ăn dặm với 2 bé (1 bé trai 2 tuổi, 1 bé gái 8 tháng tuổi), chị cho rằng 'con nhà người ta' hoàn toàn có thể là con mình nếu như mẹ biết phương pháp cho con ăn, nhất quán từ đầu đến cuối để rèn con vào nếp. Nhờ vậy, hai bé nhà chị đều ăn uống tốt, luôn ngồi một chỗ hoàn thành bữa ăn chứ không bế rong, tivi, điện thoại hay làm trò hề.
Gia đình hạnh phúc của vợ chồng chị Quỳnh Anh và một bé trai, một bé gái.
Chị Quỳnh Anh và hai bé cách nhau hơn 1 tuổi.
'Sau một thời gian tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng thì mình khẳng định ăn như 'con nhà người ta' là có thật. Bé đầu mình cũng háo hức thử cho ăn dặm ngay khi bé tròn 6 tháng, mình nhận được combo phun, nhè, phì, bôi trét khắp đầu. Phải nói là không còn gì buồn chán hơn khi mẹ dồn hết tâm sức nấu ăn mà con lại đạp đổ trong chớp mắt. Buồn, thất vọng, chán nản, tự nghĩ mình là người mẹ tồi, nuôi con sai cách.
Thế rồi mình bình tĩnh lại, không ăn thì nghỉ và bé bắt đầu ăn dặm chính thức với cháo khi 7 tháng, cùng với việc chuẩn bị tâm lý kỹ càng hơn cho con, nguyên tắc rõ ràng hơn cho mẹ. Trộm vía sau đó bé ăn rất nghiêm túc, ngồi ghế ăn dặm từ buổi đầu tiên cho đến giờ 2 tuổi. Sẵn kinh nghiệm áp dụng vào bé thứ 2, mọi thứ trở nên dễ dàng và đơn giản hơn hẳn.
Với 2 bé nhà mình, ăn uống là niềm vui, hứng thú chứ không phải ép buộc, nghĩa vụ, ăn cho hết suất. Tất nhiên con mình cũng như bao bạn khác, vẫn có những giai đoạn chán ăn, biếng ăn, ốm đau không muốn ăn, hay bỗng dưng thấy chán thôi...
Nhưng mình vẫn giữ nguyên tắc, không ăn thì dọn, khi nào sẵn sàng thì ăn. Sau mỗi đợt biếng ăn kéo dài khoảng 2-3 ngày đến 1 tuần, con lại ăn trả bữa rất tốt. Với mình ăn dặm không bao giờ là cuộc chiến hay có nước mắt cả', chị Quỳnh Anh chia sẻ thêm.
Áp dụng kinh nghiệm sẵn có cho bé thứ 2, chị Quỳnh Anh nhận ra 'con nhà người ta' là có thật nếu người mẹ biết nhất quán, kiên trì, thiết lập những nguyên tắc ngay từ đầu.
Chị Quỳnh Anh cho biết, muốn con ăn ngon miệng, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thực đơn, cách nấu nướng, cách đút thìa, con có thiếu vi chất hay không, tâm trạng con khi tới giờ ăn, kỷ luật của mẹ... Thực đơn và cách nấu nướng các mẹ có thể lên mạng tìm kiếm rất nhiều, nhưng 5 kinh nghiệm dưới đây, là những bài học chị rút ra tuy rất đơn giản nhưng dường như nhiều mẹ đã bỏ qua mà không áp dụng cho con mình.
Để ý tới tâm trạng của con khi bắt đầu bữa ăn
'Mới đầu mình nguyên tắc quá, muốn con ăn theo giờ ăn của người lớn, đúng 11h là 11h, đúng 18h là 18h hoặc đến giờ đấy nấu xong rồi thì cho ăn mà không để ý tới tâm trạng của con. Trẻ con mới tập ăn dặm chỉ tầm 5-6 tháng, tính cách còn rất khó đoán, tâm lý thay đổi thất thường, nhiều khi khóc lóc cáu kỉnh vô cớ, con chưa tự trấn an được khi mới chỉ hơi đói hoặc khi hơi buồn ngủ...
Với các bé trên 1 tuổi, đói một chút vẫn chờ đợi thêm được, buồn ngủ nhưng vẫn có thể cố tỉnh táo để chơi. Vì vậy nên chọn khoảng thời gian cho ăn là khi con đã uống no sữa, đánh một giấc thật ngon, ngủ dậy chưa hẳn đói nhưng bụng đã tiêu hoá gần hết sữa. Trẻ con ngủ đủ, thức dậy sẽ rất vui vẻ và tỉnh táo, lúc này cho ăn sẽ hiệu quả hơn. 13h chiều hay 19h tối cũng được, miễn là ăn tối đừng quá 20h.
Bữa nào con cáu gắt, hay đúng wonder week, ốm đau, tốt nhất chỉ nên thử vài thìa nếu không hợp tác thì nghỉ. Không nên cố quá, áp lực cả mẹ lẫn con', chị Quỳnh Anh chia sẻ kinh nghiệm.
Không ăn thì nghỉ
Tuyệt đối tôn trọng nhu cầu của con, không bao giờ 'xin' con ăn thêm miếng nữa hay dùng vũ lực để ép. 'Mình đã từng để con nhịn đói đi ngủ, nghe thật vô tình phải không? Thực ra chỉ là mẹ nghĩ là con đang bị 'nhịn đói' thôi chứ thằng/con bé đang hả hê vì không phải ăn đấy. Con không ốm đau, con chơi bình thường, ăn thứ khác bình thường mà bỏ ăn bữa chính, mình sẽ quyết định dẹp luôn cho nghỉ ăn.
Nhịn một bữa không chết, cũng chẳng sút đi lạng nào. Quan trọng là con sẽ biết cảm giác đói là như thế nào, không ăn sẽ bị phạt ra sao, và có ý thức hơn ở bữa kế tiếp. Nếu con bỏ ăn do ốm đau hay lý do hợp lý nào khác, mình sẽ không ép ăn bữa chính ấy nữa, mà cho uống bù sữa hoặc ăn thứ con thích cho đến khi con khoẻ lại.
Ốm mà, mình ốm còn chẳng thiết ăn, đáp ứng nhu cầu một chút trong trường hợp này, không bị coi là chiều hay thoả hiệp', chị Quỳnh Anh tâm sự về trường hợp thực tế nhà mình.
Đừng bao giờ thoả hiệp
Không thoả hiệp ở đây là không đáp ứng yêu sách khi con ở trạng thái khoẻ mạnh bình thường. Ví dụ con bỗng dưng chán ăn một chút, mẹ bật tivi để con vừa ăn vừa xem, con sẽ ăn tốt ở bữa đó và khá tốt ở những ngày kế tiếp khi vẫn được xem tivi. Nhưng một thời gian sau con sẽ chán, biếng ăn lặp lại và càng kinh khủng hơn.
Lúc đó con đòi điện thoại, lại đưa điện thoại và lại ăn hết suất, một thời gian sẽ lại chán và đòi đáp ứng những yêu cầu oái oăm hơn. Như là vừa chơi ở công viên vừa ăn, hay vừa ăn vừa nghịch nước hay trèo lên đầu lên cổ bố mẹ ngồi mới ăn... Mẹ đáp ứng một lần, sẽ có lần kế tiếp. Mẹ tự phá vỡ nguyên tắc là tự đưa mình vào vòng luẩn quẩn của biếng ăn.
Chăm hai bé gần tuổi nhưng chị Quỳnh Anh vẫn cảm thấy không áp lực khi rèn được nếp ăn, nếp ngủ cho con từ khi mới lọt lòng.
Hai anh em lúc nào cũng quấn quýt bên nhau.
Hãy luôn giữ vững lập trường
Điều này cũng bao hàm cả ý thứ 3 vừa rồi. Mẹ phải thiết lập những nguyên tắc ăn nào thì chính mẹ sẽ phải là người thực hiện nó chứ không phải con. Ví dụ như: Không ăn, mời ăn quá 3 lần thì cất đi; Đã ăn là ngồi nghiêm túc; Ăn dặm là không tivi, điện thoại, không làm trò hề...
Bất cứ nguyên tắc nào mẹ tự đề ra, cố gắng đừng phá vỡ nó. Xác định ăn dặm không bao giờ là quá trình êm ả, sẽ có những lúc con biếng ăn, mẹ cứ bình tĩnh mà giữ vững lập trường và vượt qua.
Hãy chuẩn bị tâm lý trước ăn dặm cho cả mẹ và bé
Điều này nhiều mẹ không để ý nên con đến tuổi ăn dặm rồi vẫn chưa xác định được sẽ ăn nằm hay ăn ngồi, ăn cháo hay ăn bột... Những điều thuộc về căn bản như thế, mẹ hãy đọc, tìm hiểu trước khi con vừa được 3-4 tháng, càng sớm càng tốt. Đó là việc chuẩn bị tâm lý cho mẹ.
Còn với con, con cũng cần được chuẩn bị trước. Bởi bỗng nhiên con đang bú lại bị nhét thìa cho ăn thì con sẽ không hiểu chuyện gì. Vì vậy, mẹ hãy cho con ngồi cùng mâm cơm gia đình trước tuổi ăn dặm để con quan sát cách ăn, ứa nước bọt khi nhìn thấy hay ngửi thấy thức ăn, để con thấy không khí đầm ấm của cả gia đình.
Hãy mạnh dạn cho con nếm thử một chút đồ ăn an toàn. Đưa đồ ăn trước mặt để con quan sát, ngửi, hay chạm môi - lưỡi một chút, kích thích bản năng của con, kích thích sự thèm thuồng và tò mò muốn khám phá.
Chị Quỳnh Anh cho rằng, ăn uống là bản năng của con người, nếu không vì bệnh lý, thiếu hụt vi chất... thì chẳng đứa trẻ bình thường nào biếng ăn kéo dài đến mức mẹ phải stress cả. Nếu có, lý do đơn giản là vì người lớn đã sai nguyên tắc từ đầu và luôn thoả hiệp cho những thói quen xấu mà thôi!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!