Khi mang thai được 39 tuần 6 ngày, chị Phương Mai vẫn bình thường, khỏe mạnh. Vì cũng có chút lo lắng nên ông xã đã đưa chị đi khám. Bác sĩ chạy máy monitor và bảo mọi thứ vẫn bình thường, không có vấn đề gì đồng thời dự đoán chị Mai có thể sinh thường.
Sau khi về nhà, đến khoảng 11 giờ đêm thì chị Mai thấy xuất hiện cơn gò đau, cứ 10 phút thì xuất hiện 2 cơn, gò rất đau nhưng hết cơn thì lại như bình thường.
Đến 1 giờ sáng hôm sau thì chị Mai đau bụng với đúng những dấu hiệu của việc sắp sinh nên hai vợ chồng nhanh chóng vào viện. Khi vào viện, cổ tử cung đã mở 1,5cm. Lên phòng chờ đẻ thì mở 3cm. Chị Mai yêu cầu bác sĩ tiêm gây tê màng cứng. Sau vài phút thì cổ tử cung mở lần lượt 5cm, 7cm và 9cm, nhanh đến nỗi các bác sĩ bảo ca sinh của chị Mai mở đẹp và rất nhanh.
Chị Phương Mai sinh bé Mỡ Mỡ nặng 3,45kg bằng phương pháp sinh thường.
Đến khi cổ tử cung mở đến 10cm, chỉ vài cơn rặn là em bé của chị Mai đã chào đời an toàn. Bé được đặt tên ở nhà là Mỡ Mỡ. Khi chào đời, Mỡ Mỡ nặng khoảng 3,45kg.
Việc sinh nở của chị Mai khá dễ dàng khiến nhiều mẹ bầu ngưỡng mộ. Chính vì thế mà chị Mai cũng có một vài lời khuyên cho những mẹ muốn sinh thường, giúp quá trình vượt cạn diễn ra nhẹ nhàng và nhanh hồi phục sau sinh.
Chế độ ăn phù hợp, cân nặng của mẹ cân đối với cân nặng của bé
Mình ăn uống có kiểm soát, tức là lượng tinh bột giảm đi. Thức ăn thì chủ yếu là các món giàu dinh dưỡng cho cơ thể cũng như em bé. Ví dụ như: Thịt bò, gà, cá, tôm, ngũ cốc, rau xanh, trái cây…
Theo mình tìm hiểu thì khi muốn sinh thường, cân nặng của thai nhi nên dao động từ 3,5kg trở xuống. Như vậy mẹ cũng có sức mà con cũng khỏe. Mình cũng cố gắng tự nấu nướng ăn ở nhà cho đảm bảo, không ăn hàng.
Những mâm cơm tự nấu của chị Phương Mai.
Tập Yoga thường xuyên và những động tác mở rộng xương chậu vào tháng cuối
Từ khi mang thai được 2 tháng, mỗi ngày mình đều dành ra 1 tiếng để tập luyện, không bỏ hôm nào. Mình mua gói tập về nhà, tự tập theo cô giáo hướng dẫn trong video. Bài tập sẽ có từng giai đoạn của 3 tam cá nguyệt, chủ yếu là các động tác tập hít thở ở giai đoạn đầu, khi hít thở đúng sẽ là hít vào bụng phải phình ra, thở ra bụng hóp lại. Giống cái cách mà mình giữ hơi khi sinh thường, để mình làm quen dần.
Khi tập cần chú ý sức khỏe của bạn có phù hợp hay không? Nếu không phù hợp sẽ tập dần các bài nhẹ nhàng trước sau đó đến các bài tập khó đòi hỏi sức dẻo của cơ thể.
Chị Mai tập luyện Yoga đều đặn suốt thai kỳ.
3 tháng cuối chủ yếu là bài tập mở khung xương chậu như các động tác squat cơ mông, háng, tập các cơ vùng mông, vùng đùi để có sức khi sinh thường, cơ chân chắc để mình lấy đà rặn em bé.
Mình nghĩ ai cũng nên tập Yoga để có sự dẻo dai, sức chịu đựng, kể cả sinh mổ hay sinh thường. Vì khi sức khoẻ và sức đề kháng tốt thì khả năng chịu đau của mình cũng tăng lên do cơ thể đã thích ứng dần được với những cơn mỏi, chùn…
Uống nhiều nước, khoảng 3 lít/ngày
Suốt thai kỳ, mỗi ngày mình đều uống khoảng 3 lít nước. Việc uống nước cực kỳ quan trọng khi mang thai. Thay nước dừa, nước mía bằng nước lọc để tránh bị tiểu đường thai kỳ.
Nước lọc ấm giúp tuần hoàn cơ thể, đủ nước ối, tránh đa ối và giúp trao đổi chất tốt, hạn chế bị chuột rút và đi tiểu đêm. Ngoài ra, việc uống nhiều nước cũng giúp mẹ giữ được vóc dáng, nhanh về dáng sau sinh.
Nhờ uống nước nhiều nên chị về dáng khá nhanh sau sinh.
Khi sinh xong các mẹ vẫn duy trì thói quen uống nước để dễ đi vệ sinh và sản dịch nhanh chóng ra khỏi cơ thể. Sau sinh các mẹ cũng nên xuống giường tập đi, cho con ti nhiều để con được hưởng sữa non của mẹ. Sau khi con đi vệ sinh ra phân su là có thể về nhà luôn.
Chăm sóc vết khâu tầng sinh môn
Nếu bị rạch tầng sinh môn, sau khi khâu xong, các mẹ nên chiếu Plasma khoảng 3- 4 lần cho nhanh khô vết thương.
Sau khi về nhà thì luôn giữ vết khâu thoáng, hạn chế tiếp xúc với nước. Mỗi lần vệ sinh vết khâu xong thì nên thấm khô và dùng dung dịch Betadine màu xanh để lau qua. Như vậy vết thương nhanh lành, khoảng 4, 5 hôm là liền và hồi phục.
Thuốc Betadine được chị Mai khuyên các mẹ nên dùng để giúp vết khâu tầng sinh môn mau lành.
Luôn giữ tâm lý thật thoải mái
Tâm lý thoải mái trong suốt hành trình mang thai là rất quan trọng, tốt cho cả mẹ và bé. Hãy tin rằng nếu muốn con mình trở thành một đứa trẻ hạnh phúc thì người mẹ luôn phải vui vẻ, mãn nguyện.
Để có được điều này thì chắc chắn phải nhờ đến công lao không nhỏ của những ông bố rồi. Thế nên, người đàn ông hãy giúp cho vợ luôn có được cảm giác thoải mái, an toàn, vui vẻ…
Bé Mỡ Mỡ lúc vừa sinh (trái) và khi được 15 ngày tuổi (phải).
Trộm vía, mình cũng may mắn khi có được người chồng rất yêu thương hai mẹ con. Ông xã thường đọc truyện cổ tích cho con nghe trong suốt 9 tháng 10 ngày con ở trong bụng. Rồi bố cũng hay nói chuyện với con, tạo tâm lý tích cực cho vợ… Có lẽ nhờ đó mà bé Mỡ Mỡ nhà mình sinh ra cũng rất dễ thương, hóm hỉnh.
Chị Mai cho biết, những kiến thức trên hoàn toàn là do vợ chồng chị tự tìm hiểu và rút kinh nghiệm. Bà mẹ trẻ hy vọng những điều này sẽ phần nào giúp các mẹ tự tin hơn để vượt cạn thành công.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!