Mẹ cần biết chế độ ăn này cho con bị thừa cân

Dinh dưỡng cho Trẻ - 04/29/2024

Nếu con bạn có nguy cơ bị thừa cân, hãy theo dõi những chia sẻ từ Hello Bacsi để xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện khoa học cho con.

Nếu con bạn bị thừa cân, đừng lo lắng vì bạn hoàn toàn có thể giúp con mình đạt được cân nặng hợp lý. Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ gặp khó khăn để xác định tình trạng thừa cân của con vì một đứa trẻ có thể trông không nặng đến nỗi béo phì.

Nghiên cứu cho thấy những trẻ đạt được trọng lượng khỏe mạnh có xu hướng dẻo dai hơn, khỏe mạnh hơn, có khả năng học tốt hơn và tự tin hơn. Các bé ít có xu hướng tự ti hay bị bắt nạt và cũng ít có khả năng gặp vấn đề về sức khỏe sau này. Do đó, việc giúp trẻ năng động hơn và ăn uống hợp lý là một điều rất quan trọng. Dưới đây là những lời khuyên thiết thực từ Hello Bacsi dành cho bạn.

Trẻ thừa cân có những rủi ro về sức khỏe nào?

Trẻ béo phì được cho là có nguy cơ gặp phải những vấn đề sức khỏe sau đây cao hơn so với trẻ thường:

  • Bệnh tim;
  • Nồng độ cholesterol cao;
  • Huyết áp cao;
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2;
  • Suyễn;
  • Ngừng thở khi ngủ;
  • Phân biệt đối xử trong xã hội.

Bạn nên làm gì để tránh con bị béo phì?

Để giúp con bạn duy trì trọng lượng khỏe mạnh, hãy cân bằng lượng calo hấp thụ từ các loại thực phẩm và đồ uống với lượng calo tiêu thụ cho các hoạt động thể chất và sự phát triển bình thường của trẻ. Hãy nhớ rằng mục tiêu của trẻ em thừa cân và béo phì là giảm tỷ lệ cân tăng lên trong khi vẫn tăng trưởng và phát triển bình thường. Bạn không nên áp dụng chế độ ăn uống giảm cân cho trẻ và thanh thiếu niên mà không có sư tư vấn của người chăm sóc sức khỏe hay bác sĩ.

Cân bằng calo giúp trẻ phát triển những thói quen ăn uống lành mạnh

Một phần của việc cân bằng lượng calo là ăn những thực phẩm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và lượng calo thích hợp. Bạn có thể dạy cho bé cách để nhận thức về những gì trẻ ăn bằng cách phát triển những thói quen ăn uống lành mạnh, tìm cách để khiến những món ăn trẻ thích là những món tốt cho sức khỏe và giảm thiểu những thực phẩm giàu calorie đầy cám dỗ trong khẩu phần của bé. Bằng cách này, bạn đã giúp trẻ ý thức hơn về việc ăn uống của mình.

Khuyến khích những thói quen ăn uống lành mạnh

Việc ăn uống lành mạnh cực kỳ đơn giản chứ không phải là một bí mật gì cả. Để giúp gia đình và các con của bạn phát triển thói quen ăn uống lành mạnh, bạn nên:

  • Cho vào thực đơn ăn uống nhiều rau, trái cây và các sản phẩm nguyên hạt;
  • Sử dụng sữa, các sản phẩm sữa ít béo hoặc không có chất béo;
  • Chọn thịt nạc, thịt gia cầm, cá, đậu lăng và đậu để cung cấp đạm;
  • Cho bé ăn các phần ăn có kích cỡ hợp lý;
  • Khuyến khích gia đình bạn uống nhiều nước;
  • Giới hạn thức uống chứa nhiều đường ngọt;
  • Hạn chế tiêu thụ đường và chất béo bão hòa.

Hãy nhớ rằng những thay đổi nhỏ trong khẩu phần mỗi ngày có thể dẫn đến thành công trong việc xây dựng chế độ ăn khỏe mạnh cho bé.

Hãy chuyển những món ăn yêu thích của bé trở thành những món lành mạnh, ví dụ như các món khoái khẩu của gia đình mà bạn thường xuyên nấu sẽ trở nên vừa ngon vừa dinh dưỡng chỉ với một vài thay đổi.

Mặc dù tất cả các chất đều có thể ăn được với một lượng vừa phải, việc cắt giảm những món giàu calorie chứa nhiều chất béo, đường hoặc đồ ăn vặt có vị mặn sẽ có thể giúp con bạn phát triển thói quen ăn uống lành mạnh. Bạn nên cho phép con bạn thỉnh thoảng ăn, như vậy những món này sẽ thật sự là những món chiêu đãi với trẻ. Dưới đây là những món ít béo, ít đường, có thể được chuẩn bị dễ dàng và chứa từ 100 calories trở xuống:

  • Một quả táo cỡ vừa;
  • Một quả chuối cỡ vừa;
  • 240 g việt quất;
  • 240 g nho;
  • 240 g cà rốt, bông cải xanh hay ớt chuông.

Cân bằng calories giúp trẻ luôn năng động

Một phần của việc cân bằng lượng calo là tham gia vào các hoạt động thể chất và tránh tình trạng ít vận động. Hoạt động thể chất thường xuyên vừa mang đến niềm vui cho trẻ em và thanh thiếu niên, vừa có nhiều lợi ích sức khỏe:

  • Củng cố sức mạnh của xương;
  • Giảm huyết áp;
  • Giảm căng thẳng và lo âu;
  • Tăng lòng tự tôn;
  • Giúp kiểm soát cân nặng

Giúp trẻ luôn hoạt bát

Trẻ em và thanh thiếu niên nên tập thể dục thể thao với cường độ vừa phải ít nhất 60 phút trong hầu hết các ngày trong tuần, tốt nhất là hằng ngày. Hãy nhớ rằng trẻ em bắt chước người lớn, vậy nên hãy bắt đầu thêm các hoạt động thể chất vào thói quen hằng ngày và khuyến khích con cùng tham gia.

Một số ví dụ về hoạt động thể chất mức độ vừa phải:

  • Đi bộ nhanh;
  • Đuổi bắt;
  • Nhảy dây;
  • Đá bóng;
  • Bơi lội;
  • Nhảy khiêu vũ.

Giảm khoảng thời gian ít vận động

Ngoài việc khuyến khích hoạt động thể chất, hãy giúp trẻ tránh để những khoảng thời gian ít vận động quá nhiều. Mặc dù thời gian yên tĩnh để đọc và bài tập về nhà rất tốt nhưng hãy hạn chế thời gian con xem truyền hình, chơi điện tử và lướt web không quá hai giờ mỗi ngày. Ngoài ra, việc xem truyền hình không được khuyến khích cho trẻ em 2 tuổi hoặc nhỏ hơn. Thay vào đó, bạn nên tạo cơ hội cho bé tham gia các hoạt động thú vị cùng với các thành viên trong gia đình hoặc ở một mình nhưng vận động nhiều hơn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!