Nghiên cứu ở gần 1,7 triệu nam thanh niên độ tuổi 18 phát hiện rằng, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim, mắc các bệnh về tim mạch trước 65 tuổi. Nghiên cứu được trình bày tại Đại hội của Hiệp hội tim mạch châu Âu 2019 (ESC 2019) cùng với Đại hội tim mạch thế giới (World Congress of Cardiology).
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Maria Aberg của Đại học Gothenburg (Thụy Điển) cho biết: 'Chúng tôi đã tìm thấy BMI ở người trẻ tuổi phản ánh rất rõ ràng nguy cơ bệnh tật. Nghiên cứu của chúng tôi theo dõi chặt chẽ BMI trong giai đoạn dậy thì và có các biện pháp ngăn chặn béo phì bằng việc ăn uống lành mạnh cùng với các hoạt động thể chất'.
Tiến sĩ còn có lời khuyên: 'Nhà trường và phụ huynh nên khuyến khích các bạn trong độ tuổi vị thành niên dành ít thời gian trước màn hình và thường xuyên bổ sung các thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn'.
Nghiên cứu đã điều tra tất cả nam giới Thụy Điển sinh từ năm 1950 đến 1987 và phải đi nghĩa vụ quân sự lúc 18 tuổi. Khi nhập ngũ, tất cả 1.668.921 nam thanh niên đã trải qua các bài kiểm tra thể chất và tâm lý như đo BMI, huyết áp, IQ và các bài test về tim mạch và cơ bắp. Những người đó được theo dõi dài hạn từ giữa năm 1969 đến năm 2016, tối đa 46 năm.
Từ thông tin về bệnh nhân và dữ liệu các ca tử vong tại Thụy Điển, chúng ta có thể tìm thấy các thông tin về trường hợp bệnh tim gây tử vong và không tử vong của họ trong cuộc sống sau này.
Trong đó, có 22.412 cơn đau tim xảy ra ở khoảng 50 tuổi (lớn nhất là 64 tuổi). Nghiên cứu đã điều chỉnh tuổi và số năm nhập ngũ, các bệnh tiềm ẩn, sự giáo dục của cha mẹ, huyết áp, IQ, sức mạnh cơ bắp, thể lực. Kết quả vẫn cho thấy chỉ số BMI tăng ở những người 18 tuổi có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ đau tim, các bệnh về tim mạch trước tuổi 65.
Sự gia tăng nguy cơ bắt đầu từ mức BMI được coi là bình thường 20kg/m2, sau đó tăng dần lên, đến mức từ 35kg/m2 trở lên. Nguy cơ đau tim ở thanh thiếu niên có BMI từ 27,5 đến 29,9kg/m2 cao gấp 2,64 lần so với những người có BMI trong mức tiêu chuẩn. Trong khi đó, những thanh niên béo phì có chỉ số BMI từ 30 đến 34,9kg/m2 đã tăng nguy cơ lên 3,05 lần.
Giải thích cho vấn đề vì sao nguy cơ rủi ro lại bắt đầu từ chỉ số BMI mức bình thường, Tiến sĩ Aberg nói: 'Đây là một thăm dò, nghiên cứu dựa trên dân số và được đưa ra báo cáo với đại hội và chỉ có thể suy đoán về các cơ chế gây nên vấn đề này. Có thể do sự chuyển hóa, thay đổi lipid; chứng sưng, viêm hay mất cân bằng oxy hóa, điều này có thể góp phần gây xơ vữa động mạch từ mức BMI trên 20'.
Tiến sĩ còn lưu ý thêm, đây là nghiên cứu trên nam giới, kết quả không áp dụng được cho nữ giới. Nghiên cứu này cho thấy mối liên hệ giữa chỉ số khối cơ thể BMI ở độ tuổi vị thành niên và các cơn đau tim ở giai đoạn trưởng thành, phù hợp với những phát hiện trước đây về sự liên quan giữa chỉ số khối cơ thể với suy tim.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì tiếp tục tăng lên, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ đau tim, đột quỵ nhiều hơn trong tương lai. Mọi người, nhất là phụ huynh và nhà trường, tiếp đến là các nhà hoạch định chính sách nên có những hành động thiết thực, khẩn cấp để ngăn chặn béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Source (Nguồn): ESC, Sohu
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!