Tiết trời mùa xuân se se lạnh thường khiến làn da mỏng manh của trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị khô và gây khó chịu cho các bé. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự điều trị khô da tại nhà bằng cách tắm cho bé với các loại sữa tắm dưỡng ẩm.
Bạn có biết nguyên nhân gây khô da bé?
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có làn da mỏng và nhạy cảm hơn người lớn nên thường dễ bị khô da hơn. Không khí lạnh, khô hoặc quá nóng thường là những nguyên nhân làm làn da mất đi độ ẩm bình thường và dễ bị khô. Các nguyên nhân khác có thể gây khô da như nước hồ bơi, các loại nước tẩy chứa Clo, điều hoà nhiệt độ hay nước muối,…
Các triệu chứng của khô da là gì?
Khô da thường dễ gây ngứa và làm da nứt nẻ thành từng mảng trông rất thiếu thẩm mĩ. Nếu bé gãi nhiều, những chỗ ngứa sẽ bị trầy xước và dễ bị đóng mày dày. Đôi khi, bé cũng có thể tự làm đau chính mình khi gãi, và chỗ gãi có thể chảy máu hoặc dễ bị nhiễm trùng.
Khô da có thể xảy ra tại bất cứ vị trí nào trên cơ thể, cũng như vào bất kể thời điểm nào trong năm. Vùng da dễ bị khô nhất của trẻ em là mặt, cánh tay (vùng khuỷu tay) và chân (đầu gối). Nếu bé da bé ngứa, khô và nổi ban đỏ thành từng mảng ở nếp gấp khuỷu tay hoặc đầu gối, có thể bé đã bị chàm. Lúc này, bạn nên đưa bé đến bác sĩ da liễu khám và lấy thuốc. Ngoài ra, hãy đến khám bác sĩ da liễu khi bé có các triệu chứng dưới đây:
- Da khô, đã mua thuốc bôi ở tiệm thoa nhưng không khỏi.
- Các mảng khô da ngứa và nổi ban đỏ.
- Các mảng khô da đau nhiều, vì khi đau, có thể vị trí đó đã bị nhiễm trùng.
Làm thế nào để chăm sóc làn da khô của bé?
Hãy cho bé tắm với nước ấm. Bạn không cần thiết phải tắm cho bé mỗi ngày, đặc biệt là vào mùa đông hoặc khi không khí có độ ẩm thấp. Bạn cũng không nên sử dụng các loại sữa tắm tạo bọt, hoặc các sản phẩm chứa nhiều hương thơm hay muối tắm trên da trẻ.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các loại dầu tắm tan trong nước để pha vào bồn tắm của trẻ, nhưng cẩn thận khi sử dụng, vì nó làm bồn tắm trơn hơn và trẻ dễ bị trượt té. Không nên dùng các sản phẩm sữa tắm có tính sát trùng, trừ khi bé đang có một nhiễm trùng nào khác trên da.
Bạn có thể sử dụng thêm các sản phẩm dưỡng ẩm cho bé và Vaseline, hoặc tìm mua các sản phẩm này tại các hiệu thuốc hay các cửa hàng mỹ phẩm. Bạn cũng đừng quên đọc kĩ thành phần và hướng dẫn sử dụng để tránh các sản phẩm có thành phần không tốt cho da bé. Nên dùng các sản phẩm ở dạng thuốc mỡ hơn dạng kem, vì chúng chứa ít thành phần tá dược độc hại và chất bảo quản hơn. Hãy nhớ sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm thường xuyên cho bé nhé.
Bạn nên phòng ngừa khô da cho bé như thế nào?
Bạn không nhất thiết phải tắm cho bé thường xuyên. Xà phòng và các sản phẩm chứa chất tẩy rửa thường dễ gây khô da bé. Bạn nên dùng các loại sữa tắm dưỡng ẩm hoặc sữa tắm cho trẻ em, không chứa xà phòng và các chất tẩy rửa tương tự để tắm cho bé. Các sản phẩm dưỡng ẩm da cho bé sau tắm sẽ giúp duy trì độ ẩm của làn da.
Nếu bé bị khô da hoặc chàm, bạn không nên cho bé tắm quá 5 phút.
Nếu bé đang học bơi hoặc đi bơi thường xuyên, hãy thoa kem dưỡng ẩm cho bé trước và sau khi bơi.
Bạn nên cho bé mặc các loại quần áo thoáng mát, tốt nhất là bằng cotton. Nếu bé mặc áo len hay áo bằng chất liệu tổng hợp, bạn hãy may thêm một lớp cotton ở mặt trong áo cho bé.
Hãy đưa bé đến khám bác sĩ ngay nếu tình trạng da khô của bé kéo dài hoặc có những dấu hiệu bệnh chàm để được chuẩn đoán và điều trị kịp thời nhé.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!